Nhiều giải pháp “hạ nhiệt” các điểm nóng buôn lậu ở biên giới Lạng Sơn

Thứ Hai, 20/11/2017, 10:47
Những ngày cuối tháng 11, tại một số cửa khẩu ở Lạng Sơn như Cốc Nam, Tân Thanh, Hữu Nghị, từng đoàn xe nối đuôi nhau ra vào tấp nập chờ nhận hàng hoá, làm thủ tục xuất nhập khẩu. Bên cạnh không khí nhộn nhịp đó, ở trên các đường mòn, lối mở, các lực lượng chức năng vẫn ngày đêm tuần tra, chốt trực nhằm hạ nhiệt điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua biên giới trong lúc hoạt động buôn lậu đang diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi.


Các lực lượng tăng cường phối hợp chống lậu

Tuyến Đồng Đăng- Cốc Nam- Lạng Sơn vào dịp cuối năm tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp cả tuyến đường sắt và đường bộ. Trên tuyến đường bộ, từ đầu năm đến nay, các lực lượng tăng cường kiểm soát chặt, hoạt động buôn lậu giảm mạnh, tuy nhiên vào những tháng cuối năm nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. 

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam Nguyễn Văn Chương cho biết, khi lực lượng chức năng làm chặt, hoạt động buôn lậu giảm mạnh, tuy nhiên dịp cuối năm, cận tết nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng những địa hình hiểm trở, lực lượng chức năng mỏng, ngoài địa bàn kiểm soát của hải quan thuê cư dân biên giới cõng hàng, thẩm lậu vào nội địa, nên nguy cơ bùng phát là rất lớn. 

Ông Nguyễn Văn Chương cho biết, dãy núi đá trước mặt Chi cục, nhìn rất đơn giản nhưng khi đi leo núi, tuần tra, kiểm soát thì mới thấy hết được sự cheo leo, nguy hiểm. Ở dãy núi này, hải quan có 2 điểm chốt, một điểm ở chân núi, một điểm ở sát cổng kiểm soát số 1, mỗi chốt có 5 người túc trực tuần tra 24/7. Để đi đến được những điểm này, và tuần tra theo lối mòn trên núi, nhiều đoạn phải bắc thang dây để leo lên và đi tiếp, nơi lập chốt lực lượng mắc võng ăn nghỉ tại đó. Núi đá chênh vênh, cheo leo chỉ sơ sẩy một chút là nguy hiểm tới tính mạng, nhưng những người vận chuyển thuê vẫn lựa chọn là đường đi để vận chuyển hàng lậu. Họ coi tính mạng mình mong manh chỉ với 50-100 ngàn tiền công sau mỗi chuyến hàng.

Hải quan Tân Thanh kiểm tra hàng hoá vi phạm.

Ngày cũng như đêm, các lực lượng tại biên giới vẫn túc trực tại các điểm nóng về tình hình buôn lậu như tại các đường mòn ở hai bên cánh gà cửa khẩu Cốc Nam, Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma. 

Tuy nhiên, chống lậu ở đây ngày càng cam go, bởi các đầu nậu thường rất ít lộ diện mà chủ yếu mua hàng qua giao dịch bằng điện thoại, rồi thuê các đối tượng có nhân thân phức tạp ở nơi khác đến khu vực biên giới làm ăn sinh sống cùng người địa phương sang Trung Quốc mua hàng và áp tải hàng về Việt Nam. Các đối tượng sử dụng bộ đàm, điện thoại di động theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. 

Ban đêm hoặc gần sáng, các đầu nậu chỉ đạo đội quân vác hàng thuê lợi dụng địa hình hiểm trở để vác hàng qua các lưng chừng núi, vòng tránh các lán chốt kiểm soát của lực lượng chức năng. Hơn nữa, các đối tượng còn ép người vận chuyển đặt cọc tiền nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa hàng lậu với chủ hàng. Ngoài ra, các đầu nậu còn cắt cử người thường xuyên theo dõi lực lượng chống buôn lậu, trang bị các phương tiện xe gắn máy phân khối lớn, điện đàm, dao kiếm, vũ khí thô sơ, vũ khí nóng… để đối phó lại. 

Nhiều vụ việc khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng vác hàng thuê tập trung đông người kích động chống đối quyết liệt nhằm cướp lại, tẩu tán hàng hóa bị thu giữ. Toàn bộ hàng hóa nhập lậu sau đó được hợp thức bằng cách viết biên lai thuế, hóa đơn bán hàng rồi được đưa vào ôtô 7 -15 chỗ vận chuyển theo quốc lộ 1A, 1B đưa về nội địa tiêu thụ.

Trung tá Hoàng Đình Mạnh (Công an Lạng Sơn) - Trạm Kiểm soát Liên hợp Dốc Quýt- Lạng Sơn cho biết, hàng hoá chuyển lậu qua biên giới chủ yếu là các mặt hàng tạp hóa, đồ gia dụng, đồ điện tử, quần áo… luôn là những mặt hàng hấp dẫn đối với dân buôn lậu do giá rẻ, chênh lệch khá cao so với thị trường trong nước. Ngoài ra còn có hàng cấm, vũ khí nóng, ngoại tệ...

Các lực lượng phòng chống buôn lậu trên biên giới gặp rất nhiều khó khăn khi phải “đương đầu” với các phương thức, thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. 

Tại khu vực Trạm kiểm soát, nhiều xe hàng có hoá đơn chứng từ không khớp, hoặc dấu hàng cấm, hàng lậu vào trong những mặt hàng khai báo có hoá đơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng. 

Mới đây, khi tiến hành kiểm tra xe ôtô 16 chỗ chở khách BKS 29B- 08287 chạy hướng Đồng Đăng- Lạng Sơn, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 8 bọc khăn mặt được đóng gói cất dưới gầm xe ghế sàn xe. Kiểm tra thực tế, trong 5 bọc khăn có cất giấu 44 bánh pháo dạng băng cuốn tròn do Trung Quốc sản xuất, có tổng trọng lượng 58,5kg. 

Do đó, cán bộ, chiến sĩ không chỉ nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của đối tượng, mà còn phải tổ chức, bố trí lực lượng đảm bảo các yếu tố chặt chẽ, bí mật, đồng thời phối hợp hiệp đồng linh hoạt giữa các lực lượng với nhau. Tuy nhiên, từ chốt chặn khu vực đường mòn, lối mở, tới trạm kiểm soát liên ngành vào sâu trong nội địa, nhưng thực tế không thể ngăn xuể. Đây thực sự là một cuộc chiến cam go đầy gian nan.

Chủ động các phương án

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, mặc dù đạt được kết quả nêu trên nhưng thời gian trở lại đây, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, tiềm ẩn phức tạp, chủ yếu là gian lận về giá, về đo lường, về chủng loại hàng hóa, đáng chú ý là xuất hiện hiện tượng gian lận, giả mạo chứng từ nhập khẩu. 

Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chống buôn lậu của các đơn vị chức năng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, đơn vị liên quan... 

Các cơ quan như: Hải quan, thuế, bộ đội biên phòng, công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh; quản lý sử dụng hóa đơn; tăng cường kiểm tra xử lý các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên các tuyến đường giao thông, các điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Hoàng Khánh Hoà cũng cho biết, Hải quan Lạng Sơn tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa XNK. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi gian lận về giá, vi phạm liên quan đến giấy phép, chất lượng, hợp quy, hợp chuẩn, trọng điểm là các mặt hàng tiêu dùng, vải, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị, phụ tùng đã qua sử dụng; tổ chức dựng lán chốt chặn các lối mòn điểm xung yếu, để ngăn chặn buôn lậu vận chuyển hàng lậu đi qua.                       

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chống lậu trên địa bàn Lạng Sơn đã phát hiện 3.998 vụ vi phạm trong đó cơ quan Công an xử lý 879 vụ; Hải quan xử lý 521 vụ… trị giá hàng hoá vi phạm hơn 77 tỷ đồng. Kết quả qua công tác xử lý cơ quan chức năng thu nộp ngân sách hơn 45,6 tỷ đồng (trong đó, xử phạt vi phạm hành chính hơn 21,5 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt bổ sung hơn 18,8 tỷ đồng); tịch thu hàng hóa trị giá gần 73 tỷ đồng.
Lưu Hiệp
.
.
.