Người nuôi cá tầm điêu đứng vì cá nhập lậu từ Trung Quốc
Hơn hai tháng qua, các mối tiêu thụ cá tầm bỗng nhiên ngừng nhập sản phẩm khiến gia đình ông Hoàng Văn Huy (ngụ xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Không bán được sản phẩm đồng nghĩa với việc sẽ phát sinh theo hàng loạt các chi phí, người chăn nuôi cá sẽ thua lỗ nặng. Ông Huy đã liên hệ với nhiều nơi để tìm kiếm đầu ra mới cho sản phẩm cá tầm nhưng vẫn chưa có đơn vị nào nhận bao tiêu.
Hiện tại, trang trại cá tầm của gia đình ông Huy đã đến thời kỳ cho thu hoạch, trung bình đạt 2kg/con. Nếu không xuất bán được, khi cá to thêm sẽ rất khó bán và ảnh hưởng tới giá thành vì cá tiêu thụ nhiều thức ăn hơn. “Hồi trước, cá tôi nuôi được các đầu mối tại TP Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh nhận bao tiêu hết, thậm chí có lúc, nhất là dịp lễ, Tết không có cá để bán do thị trường tiêu thụ mạnh. Giờ thì vậy đó”, ông Huy buồn so.
Người chăn nuôi cá tầm tại Lâm Đồng đang gặp khó khăn do cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. |
Nguyên nhân được giải thích là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến các dịch vụ (ăn uống) bị ngưng trệ, lượng tiêu thụ giảm mạnh. Đặc biệt, thời gian qua khi dịch COVID-19 được khống chế, thị trường dần bình ổn trở lại, cá tầm được chăn nuôi tại Lâm Đồng bắt đầu được tiêu thụ mạnh thì lại xuất hiện sản phẩm cùng loại được nhập lậu ồ ạt từ Trung Quốc, chiếm lĩnh áp đảo thị trường cá tầm trong nước.
“Giá cá tầm lậu được bán chỉ bằng 2/3 giá cá tầm chăn nuôi tại địa phương, dao động 120.000-130.000 đồng/kg. Do cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc có giá rẻ nên hầu hết các đầu mối lâu nay tiêu thụ cá tầm Lâm Đồng chuyển sang nhập cá tầm Trung Quốc khiến cho người nuôi cá tầm ở Lâm Đồng không thể bán được hàng hoặc phải bán với giá rẻ”, một người nuôi cho biết.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh này có khoảng 50ha mặt nước chăn nuôi cá tầm, cá hồi với 50 trang trại của các doanh nghiệp và hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và TP Đà Lạt.
Những năm qua, các doanh nghiệp cá nước lạnh tại Lâm Đồng đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ để nhập khẩu trứng giống từ Nga và Đức về nuôi ấp nở giống cá bột, sản xuất giống với số lượng khoảng 2,6 triệu con cá bột/năm để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất cá nước lạnh thương phẩm trên địa bàn. Sản lượng cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng luôn dẫn đầu cả nước, đạt 3.000 tấn/năm, giá trị trên 500 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP Hồ Chí Minh. Năm 2013, sản phẩm cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cá nước lạnh Đà Lạt”.
Theo ông Nguyễn Tất Ngà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. Cá tầm nhập từ Trung Quốc giá bán chỉ bằng 2/3 giá của cá tầm trong nước. Đặc biệt, khi vào thị trường trong nước, thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc vào cá chăn nuôi tại Việt Nam, tạo ra tình trạng lừa dối khách hàng và sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường. “Doanh nghiệp và hộ nông dân nuôi cá tầm đang gặp rất nhiều khó khăn. Cá không bán được trong khi chi phí thức ăn, con giống, nhân công vẫn tiếp tục phải chi trả, kích cỡ cá lại vượt qua ngưỡng nhu cầu của thị trường cũng rất khó bán!..”, ông Ngà cho biết.
Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, hiện nay nhập khẩu cá sống làm thực phẩm không có trong danh mục được sản xuất thông thường, phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản Bộ NN&PTNT, đến nay đơn vị này chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm ngoài danh mục được sản xuất thông thường.
Trước thực trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc ồ ạt chiếm lĩnh thị trường, đẩy ngành chăn nuôi cá tầm trong nước vào cảnh hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp, gia đình có nguy cơ phá sản, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm hàng hoá là cá tầm tươi sống của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam, cá tầm lưu thông trên thị trường không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch động vật.
Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị tịch thu, tiêu huỷ các sản phẩm cá tầm nhập lậu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa cá tầm sản xuất trong nước với cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng xác nhận, hiện nay cá tầm Trung Quốc vẫn được nhập vào Việt Nam với giá rẻ và rất khó phân biệt với cá tầm Đà Lạt. Lợi dụng điều này, nhiều người đã bán cá tầm Trung Quốc với mác cá Đà Lạt, gây ảnh hưởng đến thị trường và người chăn nuôi cá nước lạnh chân chính. Trong khi đó, theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc có chất lượng kém, thịt nhão, không thơm ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam. Hình dạng cá bên ngoài cũng rất khác cá tầm chăn nuôi trong nước. Hiện tại, cá tầm nuôi tại Việt Nam chủ yếu 4 loài, gồm cá tầm beluga (huso huso), cá tầm Nga (acipenser gueldenstaedtii), cá tầm xi bê ri (Acipenser baerii) và cá tầm slelert (Acipenser ruthenus). |