Người lao động đối mặt thách thức kiếm việc làm
Giảm giờ làm, phải chấp nhận giảm lương, thất nghiệp, không có việc làm, đi xin việc nhưng không tìm được việc làm mới, đó là cái vòng luẩn quẩn của không ít lao động hiện nay phải đối mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tàn phá nặng nề đến thị trường lao động.
Theo dự báo của Cục Việc làm (Bộ LĐ- TBXH), thời gian tới, mỗi tháng con số mất việc có thể lên đến 100.000 người. Đây là thực trạng đáng quan ngại.
Rải đơn xin việc
Mất việc làm từ đầu tháng 5 đến nay, anh Trần Vương Việt (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn đang miệt mài đi tìm một công việc mới. Anh Việt cho biết, trước đây, anh làm việc tại một khách sạn trên phố Bảo Khánh khu vực bờ Hồ.
Lương không quá cao nhưng đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách sạn hoạt động cầm chừng nên chỉ giữ lại một số nhân viên chủ chốt, số còn lại được cho nghỉ việc.
“Chưa có vợ con nên cuộc sống cũng không quá bí bách, nhưng thanh niên mà ở nhà trông chờ vào bố mẹ thì còn ra sao nữa. Em học ngành du lịch khách sạn nên cũng chỉ có chuyên môn về mảng này.
Mấy tháng qua, em cũng đã làm hồ sở xin việc gửi đi nhiều nơi nhưng vẫn chưa thể tìm được công việc mới bởi ngành khách sạn, du lịch hiện nay đang rơi vào tình trạng chung. Tuy nhiên, em sẽ gửi đơn đến vài chỗ nữa, khi nào được nhận mới thôi", Trần Vương Việt buồn bã chia sẻ.
Người lao động đang đứng trước thách thức lớn về việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. |
Đang từ một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn tuor đi nước ngoài, anh Bùi Văn Cảnh (Hà Đông, Hà Nội) không nghĩ mình lại bán hàng online mấy tháng qua.
Anh Cảnh cho hay, từ khi xảy ra dịch, không còn tour dẫn khách nước ngoài, chỉ còn một số ít tour nội địa. Chính vì thế công ty cũng đành phải cho một số người nghỉ việc. Một số ít nhân viên cố bám trụ lại thì phải chấp nhận giảm nửa lương.
“Có gia đình và hai con nhỏ, áp lực rất nhiều. Nếu giảm nửa lương thì không thể lo được cho gia đình. Chính vì thế mà tôi quyết định xin nghỉ việc, ở nhà bán hàng online và nhờ các mối quan hệ trong nghề tìm kiếm chỗ làm mới.
Cũng đã nhờ năm bảy mối nhưng họ cũng chưa nhận người mới. Tất cả đều chỉ nói cứ gửi hồ sơ, khi nào tuyển thì sẽ gọi điện. Thôi thì cũng ráng đợi vậy”, anh Cảnh cho hay.
Thị trường lao động sẽ có nhiều khó khăn
Theo con số thống kê chỉ ba tháng gần đây đã có 1,3 triệu lao động đã bị thất nghiệp. Lý giải cho điều này đại diện Bộ LĐ- TBXH cho rằng trong thị trường lao động, thất nghiệp luôn luôn tồn tại cho dù số việc làm tạo ra lớn hơn số lao động có nhu cầu.
Nguyên nhân vì lúc nào cũng có người mới bước vào thị trường, cần thời gian tìm việc; người không đáp ứng được nhu cầu của chủ sử dụng nên không được tuyển hoặc bị sa thải; giữa người lao động và chủ sử dụng không đạt được thỏa thuận về việc làm…
Tuy nhiên thời gian qua, ngoài những lí do nói trên, đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chủ yếu khiến số người bị mất việc, ngưng việc nhiều hơn. Dịch bệnh đang lây lan mạnh ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, liên minh châu Âu EU, Mỹ. Điều này dẫn đến tình trạng "đứt gãy" chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hoặc đình trệ.
Khi các công ty không có nguyên liệu sản xuất và đơn đặt hàng thì công nhân sẽ không có việc làm, thất nghiệp. COVID-19 cũng khiến hàng loạt nhà máy, xí nghiệp trong nước phải tạm dừng hoạt động.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà du lịch, nhà hàng, giáo dục... cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Lao động những ngành này vì vậy đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Người lao động đang đứng trước thách thức lớn về việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. |
“Nhà nước xác định cùng lúc phải hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động. Chỉ khi doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh thì người lao động mới không bị thất nghiệp, ngưng việc, giãn việc. Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ sửa đổi một số điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ theo nghị quyết 42 và quyết định 15. Cụ thể như khoản vay ngân hàng chính sách đễ hỗ trợ 50% tiền lương cho người lao động, trước đây cần nhiều điều kiện gồm không có doanh thu, khó khăn về tài chính đến mức không có tiền trả lương, đã trả trước cho người lao động 50% lương..., nay giảm bớt các điều kiện đó đi, doanh nghiệp chỉ cần giảm doanh thu là được vay”, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Lê Văn Thanh cho biết.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết thêm, Bộ LĐ- TBXH cũng đã đề nghị tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho doanh nghiệp và người lao động thêm sáu tháng nữa. Các cơ quan của Bộ cũng tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình việc làm, nhu cầu của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục rà soát để đảm bảo người nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được hưởng các gói hỗ trợ. Bộ LĐ- TBXH cũng sẽ sử dụng một khoản tiền trong quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động phù hợp với tình hình thực tế.