Nghiêm khắc xử lý hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi
- Sản xuất, mua bán thuốc lá phải có giấy phép theo quy định
- Xử phạt hành vi vi phạm về bán thuốc lá
- Khởi tố đối tượng mua bán thuốc lá lậu
Khảo sát trên nhiều tuyến phố Hà Nội hoặc bất kỳ một cửa hàng tạp hóa nào ở các tỉnh, địa phương trên cả nước, người ta dễ dàng mua được một loại thuốc lá theo nhu cầu. Không chỉ vậy, tại các quán trà đá vỉa hè, quán nào cũng luôn có các loại thuốc lá phù hợp với đối tượng khách thường xuyên lui tới. Anh Trần Ngọc Hưng ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội đã có thâm niên 10 năm nghiện thuốc lá.
Có thể dễ dàng tìm mua thuốc lá ở các cửa hàng tạp hóa. |
Anh kể, anh có thể mua thuốc lá ở bất kỳ địa điểm nào gần cơ quan, gần nhà, thậm chí là gần trường học nơi vẫn thường đứng đón con. Còn anh Hoàng Văn Hà ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội lại cho biết, anh vẫn thường bảo cậu con trai nhỏ ra cửa hàng tạp hóa gần nhà mua cả cây thuốc lá.
Con trai anh biết rõ bố thường dùng loại thuốc nào, giá bao nhiêu tiền nên không bao giờ mua nhầm thuốc lá. Bà chủ quán thì chẳng cần biết đến quy định cấm bán thuốc lá cho trẻ em, chỉ cần biết có người mua là bán.
Phóng viên Báo CAND đã hỏi chuyện một số người bán hàng về quy định cấm bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi thì nhiều người bán hàng không quan tâm lắm đến quy định này. Chứng kiến một đứa trẻ chừng 15 tuổi mua thuốc lá, tôi hỏi: “Sao bán thuốc lá cho trẻ con?” thì được bà chủ quán trả lời: “Cháu mua cho bố hút ấy mà. Nhà cháu ở gần đây, khách quen rồi”.
Len lỏi trong các ngõ xóm, tổ dân phố, đâu đâu cũng thấy có bán thuốc lá tràn lan như vậy. Ngay trên các đường phố Hà Nội, để đối phó với các cơ quan chức năng về việc bày bán thuốc lá lậu, bán thuốc lá không đúng quy định, nhiều người bán hàng trên mặt phố chỉ trưng bày vỏ bao hoặc vỏ cây thuốc lá. Khi khách hỏi mua, người bán mới chạy vào trong ngõ hoặc trong nhà lấy thuốc lá ra bán.
Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), hành vi vi phạm quy định trưng bày thuốc lá diễn ra phổ biến tại các điểm bán lẻ. Đây là một trong những khó khăn cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Điều tra năm 2015 của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, hơn 90% các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày quá 1 bao, 1 tút, 1 hộp của nhãn hiệu thuốc lá, tạo thành các điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thu hút người sử dụng (vi phạm Điều 25 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá). Trong khi đó, ở một số nước khác như Thái Lan không cho phép trưng bày thuốc lá tại điểm bán, chỉ cho phép trưng bày dòng chữ nhỏ “ở đây có bán thuốc lá” trên quầy.
Trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (FCTC) mà Việt Nam đã ký kết tham gia có những điều khoản “thi hành các biện pháp lập pháp, hành pháp, hành chính và các biện pháp khác có hiệu quả tại cấp chính phủ phù hợp để cấm việc bán các sản phẩm thuốc lá cho những người dưới tuổi quy định bởi luật trong nước, luật quốc gia hoặc người dưới 18 tuổi.
Những biện pháp này có thể bao gồm: Yêu cầu mọi người bán các sản phẩm thuốc lá đặt một bảng hiệu rõ ràng và nổi bật tại các điểm bán của họ về việc cấm bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên… cấm việc sản xuất và bán các loại kẹo, đồ ăn nhẹ, đồ chơi và các vật khác mang hình dáng của các sản phẩm thuốc lá mà những vật này hấp dẫn đối với trẻ vị thành niên…”.
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng quy định chi tiết cấm hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá, hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đồng thời luật cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định tại Điều 11, Điều 12, trừ điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
Tuy vậy, những vi phạm như trên vẫn diễn ra tràn lan mà chưa bị xử lý. Qua tìm hiểu của phóng viên Báo CAND, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này đều kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau nên việc xử lý vi phạm phần lớn chỉ là nhắc nhở chứ chưa xử phạt. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch kiểm tra, xử lý việc bày bán thuốc lá vi phạm quy định để có hiệu quả hơn trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Mức xử phạt vi phạm quy định về bán thuốc lá 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá; b) Bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này. (Điều 24, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) |