Ngành xuất nhập khẩu hàng hóa tìm hướng đi mới
- Nguy cơ “vỡ trận” thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc
- Xuất khẩu lao động 2020: Kỳ vọng từ những cơ hội mới
Kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động lớn
Ở góc độ xuất nhập khẩu, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, dịch nCoV khiến xuất khẩu (XK) nông sản qua cửa khẩu đường bộ chịu tác động. Hiện, 2 mặt hàng thanh long và dưa hấu đang khó khăn, theo thống kê hiện còn khoảng 100 container thanh long đang tắc ở Lào Cai. Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) mở cửa vào ngày 3-2, tuy nhiên phía Trung Quốc quy định không tập trung đông người, không có người ra nhận hàng. Hàng hóa giao dịch gặp khó khăn và vẫn phải chờ đến sau ngày 8-2.
Theo đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh, kể từ ngày 30-1, sau khi phía Trung Quốc thông báo dừng thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị thuộc chi cục thông báo cho các DN biết về tình hình tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hoá để chủ động đưa hàng về cửa khẩu. Tuy nhiên, do không nắm bắt hoặc đang trên đường di chuyển về cửa khẩu nên tính đến sáng 4-2, tại cửa khẩu Tân Thanh còn tồn đến 206 container chứa thanh long. Điều đáng nói, mặt hàng thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên cửa khẩu, bình quân mỗi ngày 15-20 xe container.
Trong khi đó, theo thống kê, lượng hàng trái cây (chủ yếu thanh long, dưa hấu) các tỉnh sản xuất nhiều. Hiện thanh long tồn khoảng 55.000 - 57.000 tấn ở các địa phương, dưa hấu cũng tương đương với con số 50.000 – 60.000 tấn, đây là thách thức trong tiêu thụ do tiêu thụ theo vụ. Riêng thủy sản, Việt Nam xuất khẩu qua đường bộ sang Trung Quốc khoảng 400 - 500 triệu USD/năm, ngoài ra còn giao hàng qua đường biển.
“Nếu dịch bệnh nCoV diễn ra từ 1 - 2 tháng thì khả năng sẽ tác động làm giảm kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 200 – 300 triệu USD. Nếu diễn ra 3 - 6 tháng thì xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ giảm từ 600 – 800 triệu USD” - ông Phan Văn Chinh cho hay.
Theo ông Chinh, trước tình hình trên, Cục XNK cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp cơ bản đối với hàng nông sản như: Đôn đốc các địa phương trao đổi với phía bạn trong giao hàng; thay đổi phương thức giao hàng; mở rộng thị trường cho các mặt hàng này; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.
Không chỉ tác động đến xuất khẩu mà dịch nCoV còn tác động đến hoạt động nhập khẩu. “Vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là dệt may, da giày, thiết bị máy tính, thiết bị điện tử… chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu các nhà máy phía Trung Quốc đóng cửa không sản xuất hoặc sản xuất chậm lại sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng, chu trình sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Đây là vấn đề rất lớn và ảnh hưởng lớn đến kim ngạch XNK của Việt Nam trong năm 2020. Dịch nCoV khiến kinh tế Trung Quốc suy giảm, Trung Quốc cũng kéo dài thời gian nghỉ Tết và đưa ra các quy định không tập trung đông người, khiến nguồn hàng cung cấp cho nhập khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn, nhất là dệt may, máy móc, linh kiện máy tính.
Về lý thuyết có thể tìm nguồn nguyên liệu khác để thay thế, nhưng trên thực tế đây là cả vấn đề, vì giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ cao hơn, khiến giá hàng xuất khẩu sẽ kém sức cạnh tranh. Mặt hàng công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến và dệt may sẽ chịu tác động rất lớn, hơn cả mặt hàng nông sản”, ông Phan Văn Chinh nói.
Ngành may mặc sẽ chịu tác động không nhỏ trong bối cảnh hiện nay. |
Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản và mở rộng thị trường xuất khẩu
Trước tình hình đó, ngay từ mùng 5 Tết (28-1), Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo gửi tới Bộ Nông nghiệp, các tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản; yêu cầu toàn bộ hệ thống Thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu.
Các chi nhánh Thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cũng đã và đang tích cực cùng các tỉnh biên giới trao đổi với phía Trung Quốc về thời gian mở lại các chợ biên giới. Bộ cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ.
Bộ Công Thương khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài; tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước. Khuyến nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.
Đánh giá những tác động có thể có đến hoạt động xuất nhập khẩu do dịch nCoV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, tình hình dịch nCoV tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh nghiệm ứng phó với dịch như SARD phải mất trung bình từ 6 - 8 tháng. Do đó, các đơn vị cần làm rõ những mặt hàng xuất khẩu nào đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng do tác động tình hình dịch bệnh nCoV, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể cho từng mặt hàng.
Bên cạnh đó, phân tích các tác động có thể có đối với hoạt động nhập khẩu, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất trong nước. Từ đó, đưa ra được định hướng, giải pháp cụ thể. Cần có những giải pháp kịch bản ngắn hạn và trung và dài hạn khi dịch bệnh kéo dài.