Ngành dệt may tìm lối đi mới giữa mùa dịch
Đó là nhận định của ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh (AGTEK), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean.
Theo phân tích của ông Phạm Văn Việt, dệt may nằm trong nhóm ngành bị tác động trực tiếp và nghiêm trọng về nhiều mặt trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường thế giới. Đối với thị trường trong nước, dịch bệnh đã tác động đến tâm lý người dân, khiến họ có xu hướng phòng thủ, tiết kiệm, hạn chế chi tiêu. Điều này ảnh hưởng đến sức mua.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, so với các ngành khác, dệt may là nhóm ngành có lượng xuất khẩu cao, vì vậy COVID-19 bùng nổ trở thành áp lực lớn mà ngành phải đối mặt. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến đầu vào và đầu ra đều không thuận lợi. Nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may chủ yếu nhập từ Trung Quốc, vì vậy khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, ngay lập tức DN bị động nguồn nguyên liệu, buộc phải tìm phương án xoay xở từ nguồn trong nước hoặc thị trường tương tự khác.
Không dừng lại ở đó, kể cả khi cải thiện được tình hình nguồn cung, DN tiếp tục gặp trở ngại khác tại 2 thị trường lớn là EU và Mỹ. Với việc công bố chính sách hạn chế nhập hàng hóa từ 2 thị trường này, hoạt động giao thương của DN ngành dệt may liên tục bị đứt quãng. Hiện nay, các giao dịch với EU, DN không thông qua hình thức trực tiếp là xuất khẩu, nhập khẩu mà gián tiếp dưới hình thức bán hàng online.
Tuy nhiên hình thức này chỉ chiếm 15–20% tổng lượng hàng hóa bán ra và chỉ có thể kéo dài cho đến hết giữa tháng 4. Đặc biệt, New York là thị trường thời trang lớn nhất hiện đang là trung tâm dịch bệnh đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khiến cho doanh số tiêu thụ của các sản phẩm ngành dệt tiệm cận về 0.
Để xoay xở trước tình hình khó khăn trước dịch bệnh, ông Việt cho rằng, hiện nay hầu hết các DN dệt may đang chuyển hướng sang việc nhập máy bao nguyên liệu để sản xuất khẩu trang vải thay thế cho khẩu trang y tế. Đây là sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nên khi xuất khẩu vấn đề kiểm tra, kiểm dịch được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, dù Việt Nam đã có chuyển dịch nhanh, nhưng chưa chuẩn bị đủ về nguyên liệu, công nghệ khử khuẩn, cũng như chưa đo lường được nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Chính vì vậy nên các DN Việt chỉ xuất khẩu với số lượng hạn chế, đến nay chỉ xuất 100.000 – 200.000 sản phẩm, chưa thể xuất được số lượng lớn. Đây là thách thức lớn đối với DN. Tuy nhiên, điều đáng mừng là khi mặt hàng khẩu trang đang dần được lấp đầy, thì đồ bảo hộ lại trở nên khan hiếm trên thế giới. Việt Nam bắt đầu “chuyển mình” sang thị trường Mỹ và mới đây, Việt Nam đã xuất lô hàng 450.000 bộ quần áo bảo hộ sang Mỹ, tạo khởi sắc mới cho ngành sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường mùa COVID-19 ảm đạm.
Trước khó khăn của ngành dệt may nói riêng và các ngành khác nói chung dưới ảnh hưởng của COVID-19, dưới góc độ đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại quốc gia, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết, là cầu nối giữa DN và Nhà nước, VCCI đã cùng phối hợp với các hiệp hội xác định những khó khăn hiện tại và dự liệu các tình huống có thể phát sinh trong tương lai, từ đó tổng hợp các ý kiến và kiến nghị lên Chính phủ. Trong đó kiến nghị nhiều nhất là giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế, giảm một số loại thuế suất của DN đối với Nhà nước.
Bên cạnh đó, vấn đề chính sách đóng bảo hiểm đối với người lao động cũng là mối quan tâm hàng đầu của DN khi sản xuất bị thu hẹp, người lao động bị cắt giảm lương hay thậm chí phải nghỉ việc không lương. Vì vậy, DN cũng có mong muốn được hoãn lại thời gian đóng bảo hiểm vì không có nguồn thu để chi trả.