Nâng cao chất lượng nông sản Việt, mở cánh cửa vào thị trường Trung Quốc

Thứ Ba, 30/04/2019, 10:26
Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cho các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như rau quả, chè, gạo cà phê. Tuy nhiên gần đây thị trường này đang siết chặt nhập khẩu bằng các hàng rào như thuế quan, thậm chí đóng cửa một số cửa khẩu tiểu ngạch, gây khó khăn cho hàng hoá Việt Nam. Lối đi nào cho nông sản Việt khi cánh cửa dẫn vào thị trường Trung Quốc đang dần hẹp lại?

 “Siết chặt” nhập khẩu nông sản

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn cho biết, Trung Quốc đang thực hiện một số giải pháp để “siết chặt” nhập khẩu (NK) nông sản, cụ thể như nâng cao tiêu chuẩn nông sản NK; đóng cửa nhiều cửa khẩu tiểu ngạch… 

Đặc biệt, theo thông báo của Hải quan Quảng Tây, từ tháng 5-2019, dưa hấu XK sang Trung Quốc phải thay đổi vật liệu đệm lót. Trước đây, chúng ta hay sử dụng đệm lót bằng rơm, nhưng nay phía Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm lót để không có khả năng mang theo các dịch bệnh gây hại và họ khuyến cáo sử dụng xốp lưới bằng nilon để có thể phòng tránh các loại dịch bệnh đối với các trái cây khác. 

Ngoài ra, họ còn yêu cầu thay đổi vật liệu đệm lót đối với mít và chuối. Cụ thể, phía Trung Quốc khuyến cáo sử dụng giấy “dai kraft” để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng carton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc. 

Ngoài ra, tất cả các loại trái cây NK sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này lên trên các sản phẩm hoặc bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… thuộc danh sách do Bộ NN&PTNT thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc.

“Trung Quốc là thị trường đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và thế giới. Do vậy, DN Việt Nam cần chủ động phối hợp với các nhà NK Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc, ông Sơn nhấn mạnh.  

Trong trường hợp nhà xưởng, vùng trồng, bao bì đóng gói của DN chưa nằm trong danh sách được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố trên web của họ, cũng như chưa thông báo với Bộ NN&PTNT để đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thì cần khẩn trương đăng ký. 

Bên cạnh đó, DN cần nâng cao nhận thức, xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm,… phải tìm hiểu thật kỹ, thường xuyên cập nhật thị trường, các khu vực thị trường, vì Trung Quốc rất rộng lớn, các vùng có nhu cầu khác nhau. Ngoài ra, tổ chức các thị trường nông sản, trọng tâm trọng điểm theo quy mô lớn, công nghiệp, chất lượng đồng đều. 

Thay đổi thói quen giao dịch, XK tiểu ngạch sang thương mại chính quy, phù hợp thông lệ quốc tế. Đặc biệt, nắm bắt xu hướng, trào lưu sử dụng thương mại điện tử trong tiêu dùng của người Trung Quốc. Đây đã và sẽ là trào lưu chính của người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian tới.

Dán tem lên trái cây xuất khẩu đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. (Ảnh minh hoạ Internet).

Dán tem lên trái cây đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc

TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện dưa hấu, chuối, mít phải dán tem nhãn mác chữ Trung Quốc đầy đủ để đáp ứng yêu cầu về truy nguồn gốc, xuất xứ khi XK sang Trung Quốc. “Quy định dán nhãn này là để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh đó, yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc được Trung Quốc bắt đầu thực hiện chặt từ tháng 5/2018, đây là một giải pháp để đảm bảo những nông sản đó có xuất xứ nguồn gốc hàng hóa của Việt Nam chứ không phải là sản phẩm của một nước thứ ba, tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc để hưởng ưu đãi về thuế”, TS. Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Theo TS. Lê Thanh Hòa, tem này mặc dù là tiếng Trung Quốc nhưng mã QR Code khi “scan” lên sẽ biết được dưa hấu đó là của Việt Nam và đi từ huyện nào, tỉnh nào, DN XK nào của Việt Nam. Các công ty được phép làm công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch cũng như được phép xác định truy xuất nguồn gốc của Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) đã được Chính phủ Việt Nam và Bộ NN&PTNT cho phép làm công tác kiểm nghiệm và kiểm dịch và cung cấp tem xuất xứ này. Hiện có 41 DN đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm để cung cấp lượng lớn tem cho XK.

Tính đến thời điểm này, Cục Bảo vệ thực vật ( Bộ NN&PTNT) đã tổng hợp và được phía Trung Quốc chấp thuận đối với 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây tươi (gồm thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu) đã được phép XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tại 42 tỉnh, thành trên cả nước cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành.
Lưu Hiệp
.
.
.