Mở hàng trên Facebook:

Mọi người đều có nghĩa vụ đóng thuế

Thứ Hai, 06/03/2017, 08:38
Facebook đang được ví như một siêu thị khổng lồ, rất nhiều mặt hàng từ “cây kim sợi chỉ” cho đến những sản phẩm đắt giá đến vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ được rao bán. Với sự phát triển khủng khiếp như vậy, cơ quan quản lý đã gặp vô vàn khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội (MXH) này. Nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện, sửa đổi luật, siết chặt quản lý để vấn đề này được giải quyết.

"Đố ai có thể thu thuế!"

Ngày càng nhiều người sử dụng Facebook, sự tiện ích, khả năng kết nối bạn bè là không thể phủ nhận. Chính vì thế Facebook vô tình trở thành một kênh bán hàng vô cùng thuận lợi. Làn sóng làm thêm, mở cửa hàng riêng bán hàng qua mạng trở nên rầm rộ vài năm gần đây.

Rõ ràng, với sự phát triển của mạng xã hội, trong đó có Facebook, ngày càng trở nên phổ biến, với vài tỷ người trên khắp thế giới tham gia, không chỉ các cá nhân mà nhiều doanh nghiệp gần đây đã sử dụng MXH như một kênh chính thức để chào bán sản phẩm và dịch vụ của mình.

Chợ mua bán thế này đang trở nên rất hot

Bất cứ ai cũng có thể tự mở cho mình một cửa hàng ảo trên Facebook, đặc biệt hơn nó phù hợp cho những người có nhu cầu làm thêm, tăng thêm thu nhập. Anh Lê Phúc Thanh, hiện đang là nhân viên kỹ thuật cho một công ty viễn thông, mặc dù công việc ổn định, thu nhập không phải thấp nhưng vẫn duy trì một “cửa hàng” hoa quả tươi trên MXH.

Bên cạnh việc nhập hoa quả từ Đà Lạt, anh còn nhập đặc sản các vùng miền mỗi khi đến vụ để bán lẻ cho bạn bè trên trang Facebook cá nhân của mình. Không mất một đồng quảng cáo, cũng không phải chịu thuế, “cửa hàng” ảo của anh Thanh vẫn có doanh thu hàng tháng đều đặn khoảng 10 triệu đồng. Anh Thanh cho biết: “Bán hàng trên Facebook rất thuận lợi, mình có thể tận dụng bạn bè trên Facebook của mình để chào bán.

Rõ ràng hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sạch, ngon, rõ nguồn gốc là rất lớn. Hơn nữa, nhiều người vì công việc bận rộn mà không thể đi mua cho mình 1kg cam, hay  một vài kg hoa quả, họ sẽ lựa chọn việc mua trên Facebook để được chuyển đến tận nhà.

Tôi nghĩ việc thu thuế khi bán hàng trên Facebook là rất khó, bởi đó chỉ là trang cá nhân, khi bán hàng chỉ là mỗi cá nhân đăng một trạng thái của mình lên. Nếu có muốn thu thuế cũng phải có một quy định chính xác thì người ta mới phục”.

Bà Nguyễn Thị Thắng, chủ một trang trại gà tại Phúc Thọ, Hà Nội, cũng là người nhanh nhạy nắm bắt công nghệ, nắm bắt sự phát triển của MXH. Vài năm qua, bà Thắng phải trả khá nhiều tiền quảng cáo cho Facebook để bán hàng, đưa thông tin về sản phẩm, hình ảnh trang trại lên mạng xã hội.

Theo bà Thắng thì, từ khi đẩy những sản phẩm của mình lên MXH thì doanh thu của gia đình bà tăng vọt về số lượng. Rất nhiều những giao dịch tự do trên các nhóm, các hội sẽ được MXH gom về đưa vào vòng quản lý.

Từ khi sử dụng mạng xã hội, trang trại lợn của bà Thắng không chỉ bán được nhiều sản phẩm, mà còn thu hút được rất nhiều hộ nông dân quan tâm đến mô hình của bà. Nhiều người đã đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm. Chính vì thế bà Thắng mở thêm một dịch vụ tư vấn xây dựng chuồng trại, cách nhân giống, nuôi lợn.

Chỉ cần đặt hàng trên mạng xã hội, người mua sẽ được chuyển hàng về tận nhà.

“Rõ ràng nếu như không có MXH, sẽ không có nhiều người biết đến chúng tôi. Không thể phủ nhận nó rất tốt trong việc kinh doanh buôn bán, mà còn là nơi chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nếu có phải đóng thuế cho hoạt động này, tôi vẫn chấp nhận. Bởi lợi ích của nó là rất lớn”.

Mỗi sản phẩm đều có những nhóm, hội, chợ là nơi trao đổi mua bán, chào bán sản phẩm dịch vụ, điển hình như: nhóm taxi đường dài giá rẻ, Cộng đồng chủ xe Uber; Grab chạy ngoài luồng; Hội ship tìm người; Người tìm ship; Hội học dạy tiếng Anh; Hội đồ cũ mới; Nhóm rao vặt; Hội mua bán trao đổi phong lan; Chợ rau sạch…

Rõ ràng Facebook đang có tham vọng thâm nhập mạnh vào lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) với động thái tích hợp tính năng mua bán trong các nhóm và bật tính năng shop trên fanpage có nội dung nhằm trưng bày hàng hóa hấp dẫn không kém gì một trang TMĐT.

Rất khó quản lý

Bán hàng trên MXH là rất hiệu quả, chính vì thế nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT đã sử dụng MXH để bán hàng và quảng bá cho sàn TMĐT của mình. Do việc mua bán này không cần giấy tờ, hóa đơn, vì thế doanh thu thực tế của các MXH, thậm chí cả những ông lớn thông qua MXH là không ai kiểm chứng, luôn là điều bí mật.

Theo Bộ Công Thương, doanh thu bán hàng qua hình thức TMĐT tại Việt Nam năm 2015 đạt 4,1 tỷ USD, tăng 37%  so với năm 2014 và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Trên “đại siêu thị” Facebook xuất hiện hàng loạt đại gia MXH như Lazada, Lingo, Sendo, Adayroi, Zalora... họ được ví như những gã khổng lồ bán lẻ TMĐT phất lên nhanh chóng. Theo thống kê riêng Lazada (có trụ sở tại Singapore và doanh thu 1,3 tỷ USD) đã bán cho Alibaba Trung Quốc với giá cả tỷ USD.

Ý kiến của các nhà quản lý cho rằng, nghĩa vụ đóng thuế là của tất cả những người làm kinh doanh. Chính vì thế, bán hàng qua Facebook là một kênh bán hàng và đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đó.

Việc mua bán online ngày càng được giới trẻ ưa chuộng (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Thông tin này khiến nhiều người dân, đặc biệt là những người đang thực hiện giao dịch mua bán trên Facebook thắc mắc, đặt ra câu hỏi. Dựa vào thông tin và hành lang pháp lý gì để thu thuế bán hàng trên Facebook?

Trong khuôn khổ Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, đại diện của Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương), ông Lê Hữu Tuấn cho rằng: Luật Quản lý thuế 2006 đã quy định rất rõ ràng rằng, tất cả các thương nhân (là tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh thu nhập (đến mức chịu thuế hay không) đều phải kê khai và tính thuế. Riêng về lĩnh vực TMĐT thì được nói rất cụ thể trong Nghị định 52 về TMĐT (điều 37) cũng đã quy đinh rõ người bán phải tuân thủ pháp luật về kinh doanh và pháp luật thuế. Như vậy, tất cả mọi người làm kinh doanh đều phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Việc bán hàng qua Facebook phải đóng thuế không phải là câu chuyện cũ, tuy nhiên, mới đây lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đưa ra đề xuất thu thuế hoạt động này đã thu hút rất nhiều người quan tâm. Hiện nay hoạt động TMĐT rất mạnh, riêng TP Hồ Chí Minh đã có hơn 80.000 website hoạt động.

Hơn một nửa là hoạt động ổn định, tuy nhiên thu thuế trong lĩnh vực này là chưa tương xứng. Chính vì vậy, UBND thành phố cần phải phối hợp, làm việc với Facebook để có cơ chế trong việc kiểm soát nguồn thu. Một chi tiết nữa khiến nhiều người quan tâm, hoạt động kinh doanh có doanh thu ở mức độ nào mới phải nộp thuế.

Theo Thông tư 92 (2015) đã quy định rõ ràng, đối với cá nhân hoạt động kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế. Chứ hoàn toàn không như dư luận đã truyền tai nhau là sẽ thu thuế với tất cả các đối tượng. “Hiện nay, các khung pháp lý cho TMĐT về cơ bản đã hoàn thiện.

Thế nhưng vẫn đang phát sinh trong quá trình hoạt động này, chẳng hạn như các mô hình mới, trong tranh chấp TMĐT hay vấn đề khuyến mãi trực tuyến. Năm 2018, theo đúng lộ trình thì cơ quan quản lý sẽ nâng cấp Nghị định về TMĐT lên thành Luật và đưa vào Luật Thương mại sửa đổi. Nó sẽ tháo nút khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các khuyến mại trực tuyến thì Ban soạn thảo Nghị định 37 sẽ được thành lập và các vấn đề này sẽ được giải quyết” – ông Tuấn cho biết thêm.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Nguyễn Thanh Hưng cho biết: Cũng do môi trường mạng khác với môi trường kinh doanh truyền thống nên nếu làm không cẩn thận thì chi phí đi thu còn lớn hơn số thuế thu được, do cá nhân kinh doanh trên Facebook lên đến hàng triệu người, có thể gây phức tạp cho công tác thu thuế. Và cơ quan quản lý cần đặt ra cơ chế thuận lợi thông thoáng và hỗ trợ kinh doanh phát triển mới thu được thuế đầy đủ.

Phong Anh
.
.
.