Logistics chưa theo kịp thương mại điện tử

Thứ Hai, 22/03/2021, 06:19
Cùng với sự bùng nổ của Internet, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), đã thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) không chỉ bán hàng trong nước mà còn mở rộng các kênh bán hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để TMĐT phát triển thì dịch vụ logistics được xem là một mắt xích then chốt, nhưng hiện nay dịch vụ này chưa theo kịp với sự phát triển của TMĐT.


Theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), cũng như của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng của TMĐT khoảng 30%, và dự đoán tốc độ này sẽ được duy trì trong giai đoạn 2019 – 2025. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Vecom cho biết: “TMĐT phát triển, hàng loạt sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho DN, người tiêu dùng (NTD) mua sắm và giao dịch nhiều hơn. Số lượng khách hàng truy cập mua sắm trên các sàn TMĐT tăng trưởng ấn tượng với khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày”.

Cùng với sự phát triển TMĐT thì dịch vụ logistics cũng phải tăng trưởng tương ứng để kịp thời vận chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thị trường chủ yếu là các đơn vị giao nhận, chuyển phát... trong nước có quy mô nhỏ, chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường nếu TMĐT bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Còn DN có quy mô lớn, có đầu tư công nghệ hiện đại với mạng lưới phủ kín khắp các tỉnh, thành trên cả nước, vẫn còn khá khiêm tốn.

Điển hình, đơn vị Giao hàng nhanh, với lợi thế có nền tảng công nghệ hiện đại, mỗi ngày xử lý hàng chục ngàn đơn hàng, nhưng có hạn chế thời gian giao hàng vẫn còn chậm so với nhiều đơn vị khác; Viettelpost thì cạnh tranh bằng thời gian giao hàng cấp tốc, chỉ 2 giờ trong nội thành (nhiều đơn vị khác 1 ngày) và ship tới những nơi mà hầu hết các đơn vị vận chuyển khác không tới được (như TP Phú Quốc), nhưng hạn chế vẫn còn thất lạc đơn hàng hoặc chậm so với thời gian cam kết; Còn VNPosts - EMS (thuộc Bưu điện Việt Nam), không chỉ ship hàng cho các shop bán hàng online đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước mà còn ship hàng nhỏ lẻ đi nước ngoài với giá cả rất cạnh tranh.

Đầu tư công nghệ hiện đại phân loại hàng hóa.

Mặc dù có những ưu điểm trên, nhưng EMS lại có nền tảng công nghệ còn sơ khai, chưa có app để theo dõi vận đơn, hoặc tích hợp vào website bán hàng TMĐT. Các shop kinh doanh muốn gửi hàng phải đi ra bưu cục đưa hàng rất bất tiện. Chính vì các dịch vụ giao nhận, chuyển phát của các DN trong nước còn bộc lộ nhiều điểm yếu và khả năng cạnh tranh chưa cao do phần lớn là DN có quy mô nhỏ, nên đây chính là mảnh đất màu mỡ để các DN nước ngoài nhảy vào cạnh tranh, khai thác.

Gần đây nhất, đó là Tập đoàn Best Inc, là nhà cung cấp dịch vụ logistics và các giải pháp về chuỗi cung ứng thông minh, có mạng lưới rộng khắp 21 quốc gia trên toàn cầu. Gia nhập vào thị trường Việt Nam 2019, sang năm 2020 Best đã cùng các nhà đầu tư xây dựng gần 200 bưu cục nhượng quyền trên khắp cả nước.

Đầu tháng 1/2021 đơn vị này tiếp tục đưa vào vận hành trung tâm phân loại  hàng hóa tự động thứ 7 tại TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 8 triệu USD. Đây là Trung tâm có quy mô lớn và hiện đại nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á.

TMĐT phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy các DN không chỉ bán hàng trong nước mà còn mở rộng các kênh bán hàng trên toàn thế giới. Chính điều này cũng đã buộc ngành logistics phải tăng trưởng theo để theo kịp nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa của thị trường. Theo báo cáo của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cả nước có khoảng hơn 3.000 DN tham gia cung cấp dịch vụ logistics (70% có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh), trong đó 1.300 DN đang hoạt động tích cực; 89% DN 100% vốn trong nước, còn lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù nhu cầu của thị trường về lĩnh vực logistics rất lớn, nhưng thực tế ngành logistics đang thiếu hụt nghiêm trọng về vấn đề nhân lực. Đến năm 2030, ngành logistics cần thêm tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh mới đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành logistics hiện nay khá lớn.

Xác định tầm quan trọng của ngành logistics cũng như ngành TMĐT, tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2021 Sở Công Thương cũng đã đưa đề án ngành logicstics và ngành TMĐT trên địa bàn TP phát triển đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

T.Hà
.
.
.