Lập các giao dịch ảo, mua bán hóa đơn quy mô lớn

Thứ Hai, 15/03/2021, 08:37
Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ ngày 13/3 đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án mua bán hoá đơn, trốn thuế xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 11 đối tượng về 2 hành vi mua bán hoá đơn và trốn thuế.


Các đối tượng gồm Su Zhuomin (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Junma Phú Thọ); Nguyễn Trung Tiến (SN 1985, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Tài Tiến); Doãn Ngọc Huy (SN 1987, trú tại phường An Phú, quận 2); Trần Khánh Hưng (SN 1986, trú tại phường Phú Hữu, quận 9); Nguyễn Duy Thanh (SN 1987, trú tại phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992, trú tại Tánh Linh, Bình Thuận); Nguyễn Thị Phương Lan (SN 1977, ở tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội); Tạ Tuấn Hiệp (SN 1979, trú tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên); Nguyễn Tấn Thuận (SN 1985, trú tại phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Bích Thanh Trúc (SN 1980) và Trần Tuyết Tâm (SN 1984, đều là nhân viên Ngân hàng Sacombank).

Công an tỉnh Phú Thọ khám xét trụ sở Công ty Junma.

Đây là một trong những phương thức Doãn Ngọc Huy sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Để mua bán hoá đơn GTGT khống, thu lời bất chính, khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, Huy mua lại 5 công ty. 

Sau đó, đối tượng mua CMND, thẻ căn cước công dân của một người không rõ tên, tuổi địa chỉ để sử dụng làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của 5 công ty là Công ty TNHH đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Vũ, có địa chỉ tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức; Công ty TNHH thương mại dịch vụ đầu tư Thanh Nguyên, ở tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức; Công ty thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu và sản xuất Tân Phát, ở quận 2; Công ty TNHH MTV dịch vụ vận tải du lịch Tín Phát, ở tại phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Hoa Thiên Phát, ở tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Sau khi thay đổi người đại diện theo pháp luật của 3 công ty và thành lập 2 công ty nêu trên, Huy đã thông qua Trần Khánh Hưng (SN 1986, trú tại quận 9, TP Hồ Chí Minh) tìm người mua hoá đơn GTGT cho Huy. Qua mạng xã hội (Hưng sử dụng tài khoản facebook là "Tony Trần") đăng thông tin "Hỗ trợ công ty xuất hoá đơn" để lại số điện thoại liên hệ giao bán, tìm người mua hoá đơn.

Do đó, từ cuối năm 2018, Hưng bắt đầu trao đổi với Nguyễn Trung Tiến, Giám đốc Công ty TNHH TM Tài Tiến để mua bán hoá đơn. Quá trình trao đổi, hai bên thống nhất, khi cần mua hóa đơn GTGT, Tiến sẽ liên lạc với Hưng để cung cấp số lượng, mặt hàng, doanh số cần viết hoá đơn khống. Sau đó, Hưng cung cấp số liệu này cho Huy. 

Huy thuê Ngô Thị Thu (trú tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) viết hoá đơn GTGT theo số liệu Hưng cung cấp, ký chữ ký giám đốc của 5 công ty của Huy, đóng dấu, sau đó chuyển lại cho Huy. Khi thuê Thu, Huy không nói cho Thu biết việc mua bán hoá đơn GTGT, mà chỉ nói là viết hoá đơn phục vụ hoạt động kinh doanh thực tế của 5 công ty. 

Sau khi hoàn thiện các thủ tục trên, Huy chuyển cho Hưng để Hưng gửi chuyển phát nhanh cho Tiến. Khi cần hợp thức biên bản giao, nhận hàng phiếu xuất kho theo từng hoá đơn GTGT khống, Tiến ký khống sẵn các biên bản giao nhận hàng và phiếu xuất kho gửi cho Hưng để Hưng chuyển lại cho Huy ký hợp thức, sau đó chuyển lại cho Tiến. 

Số tiền mua hoá đơn GTGT khống được Tiến trả lại cho Hưng và Huy (bằng 3 % giá trị tiền hàng ghi trên hoá đơn khống) bằng hình thức nộp vào tài khoản cá nhân của Hưng hoặc trả bằng tiền mặt cho Hưng. Sau đó, Hưng giữ lại số tiền bằng 1,7% và chuyển trả cho Huy só tiền bằng 1,3 giá trị tiền hàng trên hoá đơn khống.

Với hình thức trên, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2020, Huy đã thông qua Hưng bán cho Nguyễn Trung Tiến 585 tờ hoá đơn GTGT khống với doanh số hơn 675 tỷ đồng đồng. Tiến đã sử dụng hoá đơn GTGT khống này để kê khai thuế đầu vào, hợp thức cho khối lượng nguyên liệu (ván bóc) đã mua vào không có hoá đơn GTGT, nhằm mục đích tăng số thuế được khấu trừ cho Công ty TNHH TM Tài Tiến. 

Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho số hoá đơn khống trên, Huy đã thuê Nguyễn Duy Thanh (SN 1987, ở tại TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Xuân Lộc, là em rể của Thanh (cùng ở Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) thực hiện các giao dịch thanh toán "ảo" trên hệ thống ngân hàng. Theo thoả thuận, Huy phải trả cho Thanh và Lộc số tiền 0,1% tổng số tiền thực hiện thanh toán "ảo" trên hệ thống ngân hàng hợp thức cho doanh số các hoá đơn khống.

Do có mối quan hệ từ trước, Thanh đã thoả thuận với Nguyễn Tấn Thuận, Trần Tuyết Tâm là thủ quỹ và giao dịch viên phòng giao dịch Phổ Quang, Ngân hàng Sacombank - CN Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh về việc thanh toán, hợp thức trên hệ thống ngân hàng cho hoá đơn GTGT khống, tức là chỉ có lệnh chạy trên hệ thống trong các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền và rút tiền, không có tiền mặt nộp vào, chuyển đi và rút ra trên thực tế. 

Sau đó, Thuận và Trần Tuyết Tâm đã báo cáo với Nguyễn Bích Thanh Trúc, Phó phòng giao dịch Phổ Quang biết và được Trúc đồng ý. Các đối tượng thống nhất, khi Thanh, Lộc đến thực hiện các giao dịch thanh toán hợp thức cho việc xuất hoá đơn GTGT khống thì Thanh hoặc Lộc cung cấp doanh số hoá đơn cần thực hiện thanh toán hợp thức để Tâm, Thuận, Trúc lần lượt thực hiện các giao dịch "ảo" trên hệ thống ngân hàng Sacombank.

Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ xác định, mỗi lần đến Phòng giao dịch Phổ Quang để thực hiện thanh toán hợp thức trên hệ thống cho việc mua bán trái phép hoá đơn vụ thể như đã nêu trên, Thanh và Lộc đều phải nộp tiền phí giao dịch và phải đưa cho Trúc, Tâm và Thuận mỗi người 500 nghìn đồng. 

Với hình thức như trên, trong tổng số 585 tờ hoá đơn khống với tổng doanh số hơn 675 tỷ đồng Huy đã bán cho Nguyễn Trung Tiến, Nguyễn Duy Thanh và Nguyễn Xuân Lộc đã 47 lần đến phòng giao dịch Phổ Quang để cùng với Trúc, Tâm và Thuận thực hiện 227 giao dịch hợp thức thanh toán qua ngân hàng cho tổng doanh số hoá đơn khống hơn 620 tỷ đồng. Trong phi vụ này, Huy được hưởng hơn 6 tỷ đồng; Hưng được hưởng hơn 9 tỷ đồng; Thanh được hưởng 500 triệu đồng…

Sau khi thông qua Hưng để mua 585 tờ hoá đơn GTGT với tổng số tiền như trên, đối tượng đã sử dụng toàn bộ các tờ hoá đơn này để kê khai thuế đấu vào tại Công ty TNHH TM  Tài Tiến (gọi tắt là Công ty Tài Tiến). Trong đó, doanh số hoá đơn khống đã kê khai hợp thức cho hàng hoá (ván bóc) đã mua vào không có hoá đơn GTGT là hơn 472 tỷ đồng. 

Ngày 12/10/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ có Quyết định trưng cầu giám định số 246, trưng cầu Cục Thuế tỉnh Phú Thọ giám định hành vi vi phạm pháp luật đối với Công ty Tài Tiến… Từ các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định Tiến đã có hành vi trốn thuế với số tiền thuế hơn 47 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tiến còn bán hoá đơn GTGT khống cho 3 cá nhân: Su Zhoumin, Giám đốc Công ty TNHH Junma Phú Thọ (gọi tắt là Công ty Junma); Tạ Tuấn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Đại Long: Nguyễn Thị Phương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Quốc tế xanh với tổng doanh số hơn 156 tỷ đồng. Số tiền mua hoá đơn GTGT của 3 cá nhân nêu trên phải trả cho Nguyễn Tiến Trung bằng 7% giá tiền hàng khống ghi trên hoá đơn GTGT (chưa bao gồm VAT)… 

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Phòng CSKT Công an tỉnh Phú Thọ xác định, Tiến đã hưởng lợi từ hành vi mua bán trái phép hoá đơn và trốn thuế là 52 tỷ đồng từ phi vụ này.

Xuân Mai
.
.
.