Lãi suất điều hành giảm, lãi suất cho vay có giảm?

Thứ Ba, 17/09/2019, 07:53
Ngày 16-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức giảm một loạt lãi suất điều hành xuống thêm 0,25%. Dù thông tin đã phát đi trước đó 3 ngày, song thị trường vẫn đón nhận khá tích cực và đặt nhiều kỳ vọng vào sự ổn định bằng lãi suất cho vay.

Sau tuyên bố của NHNN, phân tích của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, đây là một trong những tín hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế. NHNN giảm lãi suất cũng làm giảm ty giá giữa VNĐ/CNY (nhân dân tệ), tránh ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc. Trong khi đó, nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận xét, giảm lãi suất điều hành là động thái nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau khi số liệu sản xuất của tháng 8-2019 cho thấy một số dấu hiệu suy yếu. "Lãi suất thấp hơn được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng cá nhân; doanh nghiệp tận dụng lãi suất thấp hơn để vay thêm phục vụ mở rộng và nâng cao sản xuất. Điều này sẽ giúp duy trì và cải thiện tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất" - các chuyên gia ACBS phân tích.

NHNN giảm lãi suất điều hành sẽ giúp ổn định lãi suất cho vay.

Cho rằng động thái này không quá bất ngờ khi cách đây gần 2 tháng, NHNN đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25% lãi suất tín phiếu, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều NHTW các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, NHNN Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên. Thực tế trước đó, nghiên cứu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính từ đầu tháng 8-2019, đã có khoảng 19 ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất cơ bản, trong số đó có 3 ngân hàng trung ương của các nước Ðông Nam Á là Thái Lan, Philippines và Indonesia. Bên cạnh đó, Úc và New Zealand cũng để ngỏ khả năng tiếp tục giảm lãi suất về mức 0% sau hai lần giảm lãi suất từ đầu năm 2019, hay như Hàn Quốc đã phát đi tín hiệu về khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay để ngăn chặn đà sụt giảm sâu của nền kinh tế. “Tuy vậy, ở góc độ thực tế, chúng tôi đánh giá tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu... Quyết định cắt lãi suất như trên của NHNN mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới”, báo cáo của BVSC viết.

Vậy, việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ có tác động như thế nào tới lãi suất cho vay ra nền kinh tế? Phân tích về sự liên quan này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm lãi suất huy động. Vì các ngân hàng phải giữ biên độ 3% chênh lệch giữa đầu vào đầu ra mới có lời. Mà điều kiện để giảm lãi suất huy động xuống là phải giảm lạm phát. Vì từ lạm phát cộng thêm biên độ khoảng 2% để có lãi suất huy động, từ lãi suất huy động cộng biên độ khoảng 3% để có lãi suất cho vay. Như vậy, nếu muốn giảm lãi suất cho vay xuống 9%/năm, ngân hàng phải giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm và đẩy lạm phát xuống 4%/năm. Nếu muốn lãi suất cho vay rất thấp 5%/năm phải đẩy lãi suất huy động xuống 2% và đẩy lạm phát xuống 0%. Còn theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - trong bối cảnh lãi suất huy động nhích lên gần đây, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Hà An
.
.
.