Kiến nghị hủy toàn bộ tờ khai khống, khai giữ chỗ để xuất khẩu gạo

Thứ Tư, 15/04/2020, 17:34
Ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có báo cáo nhanh về tình hình khai báo hải quan của các hội viên trong Hiệp hội là thương nhân xuất khẩu gạo sau khi văn bản số 1106 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ lúc 0h ngày 11/4.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, một số thương nhân lo sợ sự kiện “0 giờ” tái lập nên đã bố trí nhân sự trực canh khai tờ khai hải quan xuyên đêm, nhất là cột mốc 0h ngày 11/4.

Các thương nhân đã truyền dữ liệu cần thiết theo quy định cho các lô hàng xuất gồm: hợp đồng, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, bảng kê số container/số scal của hãng tàu… và theo dõi thường xuyên hệ thống khai báo hải quan đến 23h ngày 11/4 nhưng không nhận được phản hồi từ hệ thống của hải quan do vẫn bị khóa.

Huỷ toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống container và số seal, không xuất trình được hàng hoá khi kiểm hoá.

Theo ông Năm, ngoài việc nhiều thương nhân không nhận được thông tin chính nào từ phía cơ quan có trách nhiệm về thời gian mở hệ thống đăng ký tờ khai, họ còn gặp nhiều vấn đề bất cập khác mà chưa giải thích được. Trong khi đó, từ ngày 24/3 đến ngày 10/4, phía hải quan đã nắm rõ về việc có hàng trăm nghìn tấn gạo của nhiều thương nhân đã lên đến các cảng, sẵn sàng cho xuất khẩu và chưa thể đăng ký tờ khai Hải quan cũng như thông quan được do lệnh tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo, các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24/3.

Tuy nhiên, việc đăng ký tờ khai đã bất ngờ được triển khai lúc 0h ngày Chủ nhật, 12/4 mà không có một thông tin chính thức nào trước đó từ các bên có trách nhiệm liên quan. Tính đến thời điểm ngày 15/4, có 41 thương nhân gửi văn bản về văn phòng Hiệp hội với số lượng gạo đang chờ xuất tại cảng và đóng tại kho.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, việc phân bổ hạn ngạch thông qua hình thức đăng ký hải quan trừ lùi như hiện nay chưa gắn liền với nghĩa vụ thu mua lúa gạo trong dân của một số thương nhân, cũng như quy mô, năng lực giao dịch hiệu quả thực tế của các thương nhân.

Trước bức xúc của nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị giải quyết các vấn đề này. Trước hết, Hiệp hội kiến nghị cần giải toả toàn bộ lượng gạo hàng hoá đã sẵn sàng tại các cảng. Tạo điều kiện cho các thương nhân khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo hàng hoá đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể (số lượng thực tế ước không quá 300.000 tấn).

Cho phép xuất khẩu lại gạo nếp (HS 1006.30) và các mặt hàng gạo hữu cơ không giới hạn sản lượng do thực tế phân khúc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu lương thực trong nước.

Tổng cục Hải quan xem xét tạo điều kiện phân luồng xanh và luồng vàng ( vì gạo là mặt hàng xuất khẩu ưu đãi với thuế suất xuất khẩu là 0%) cho các lô hàng đã sẵn sàng ở cảng khi khai báo hải quan để được thông quan nhanh chóng, vì phân luồng đỏ toàn bộ các lô hàng sẽ dẫn tới tình trạng mất rất nhiều thời gian thông quan và chi phí phát sinh cho việc kiểm hoá kéo theo rất tốn kém và có thể khiến tình trạng tiêu cực xảy ra.

Song song đó, vẫn phân luồng đỏ và thực hiện kiểm hoá chặt chẽ, minh bạch đối với những tờ khai nghi ngờ khai khống giành chỗ trước ( đối với hàng container) và những tờ hai chưa có thông tin tên tàu chính xác, tàu chưa cập phao (đối với hàng tàu).

Đối với những đơn hàng đã ký hợp đồng nhưng hàng hoá chưa sẵn sàng tại cảng, một số thương nhân tham gia báo cáo cho biết họ đang nỗ lực đàm phán với phía khách hàng nhằm hoà hoãn thời gian giao hàng. 

Về hạn ngạch 400.000 tấn được mở tờ khai vào lúc 0h, Chủ nhật ngày 12/4, Hiệp hội cũng đã kiến nghị một loạt những giải pháp cụ thể. Đối với hàng container: Tiến hành kiểm hoá thực tế đối với các thương nhân đã truyền tờ khai, kiểm tra số container, số seal thực tế của container hàng có đúng với số container, số seal đã được truyền qua mạng để mở tờ khai hay không.

Tuỳ thực tế có thể vừa kiểm tra và vừa xuất hàng thực tế bị tồn tại đọng tại cảng, vừa phát hiện được thương nhân khai báo khống nhằm giữ lượng hạn ngạch.

Có biện pháp chế tài đối với các thương nhân đã truyền tờ khai nhưng không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hoá như đã khai báo. Huỷ toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện tình trạng không có tàu tại phao, khai khống số lượng, không xuất trình được hàng hoá khi kiểm hoá của các thương nhân. Đối với bất kỳ lượng hạn ngạch nào bị huỷ, ngay lập tức phải được chuyển ưu tiên cho các lô hàng đã sẵn sàng ngoài cảng nhưng việc đăng ký tờ khai vẫn chưa thành công.

Về phía Hải quan, Hiệp hội kiến nghị, Tổng cục Hải quan phải công khai minh bạch về thời gian mở hệ thống cho khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể để các Cục Hải quan địa phương, Chi cục Hải quan cửa khẩu và thương nhân biết để thực hiện.

Lưu Hiệp
.
.
.