Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng

Thứ Tư, 19/05/2021, 07:36
Sốt đất, chứng khoán, trái phiếu bùng nổ, nợ xấu có xu hướng tăng… là bức tranh không mấy tích cực về khối ngân hàng trong quý I/2021. Mặc dù lợi nhuận khối bank vẫn dẫn đầu trên bảng tổng sắp doanh nghiệp, song các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc việc kiểm soát nợ xấu sẽ là một thách thức.

Báo cáo tài chính qúy I/2021 của các ngân hàng vừa công bố cho thấy, 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh trên 30% như ACB, Vietcombank,… trong đó ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Tiếp đó, Vietcombank có nợ xấu tăng khá mạnh (tăng 47%) trong 3 tháng đầu năm lên 7.697 tỷ đồng; MB nợ xấu tăng 29% lên 4.185 tỷ đồng. Mặc dù các ngân hàng đã công bố những kết quả khả quan về tăng trưởng lợi nhuận của năm 2020 và quý I/2021, tuy nhiên theo các chuyên gia tài chính việc kiểm soát nợ xấu thời gian tới sẽ khó khăn thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng.

Trong khi đó, từ phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa có Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm một số nội dung trong hoạt động. NHNN cho biết, qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của năm 2020, nhận thấy một số tổ chức tín dụng có các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019. Ngoài ra, cũng trong năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS cao. 

Cùng với đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh BĐS vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng lớn so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BĐS. NHNN cũng thống kê về cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng lớn so với năm trước. Chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng suy giảm mạnh so với cuối năm 2019. 

“Năm 2020, nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng so với cuối năm 2019. Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng đáng kể, dẫn đến việc chưa phản ánh thực chất kết quả kinh doanh. Một số tổ chức tín dụng chưa quyết liệt trong công tác thu hồi tối đa nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đưa ra theo dõi ngoại bảng”, công văn của NHNN cho biết.

Văn bản của NHNN, cơ quan này cũng đã vạch ra 10 nhiệm vụ nhằm khắc phục những rủi ro mà toàn ngành đang phải đối mặt. Theo đó, để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao thực hiện trong năm 2021, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng...

Hà An
.
.
.