Không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá

Thứ Ba, 23/03/2021, 08:12
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hút FDI phải có chọn lọc để vừa tạo môi trường đầu tư bình đẳng giữa các DN, vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế...


Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch và đã trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến đầu tư kinh doanh.

Trước thực tế đó, việc nhiều tỉnh, thành quy hoạch mở rộng và lập thêm khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) mới để đón làn sóng FDI “chảy” vào Việt Nam trong giai đoạn tới là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hút FDI phải có chọn lọc để vừa tạo môi trường đầu tư bình đẳng giữa các DN, vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế...

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam để chuyển hướng sản xuất, mở rộng quy mô mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước còn gặp nhiều khó khăn. 

Mới đây nhất, ngày 19/3, UBND TP Hồ Chí Minh đã trao giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, nghị quyết của Chính phủ cho 15 DN, trong đó có nhiều DN FDI có vốn đầu tư lớn như: Tập đoàn Intel (Mỹ) được cấp giấy chứng nhận điều chỉnh bổ sung thêm 475 triệu USD (tương đương 10.972 tỷ đồng) vào Intel Products Việt Nam, để thực hiện dự án nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử với mục tiêu sản xuất các sản phẩm chíp mang nhãn hiệu Intel.

Doanh nghiệp mong được cải thiện môi trường đầu tư để yên tâm sản xuất.

Công ty TNHH Điện tử Samsung được trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sửa chữa, lắp ráp gia công tiếp thị và kinh doanh sản xuất nhập khẩu và phân phối sản phẩm điện tử gia dụng, với vốn đầu tư tăng thêm là 330 triệu USD (tương đương 7.029 tỷ đồng). Công ty Lotte Properties HCMC cũng được trao Nghị quyết Chính phủ với dự án Khu phức hợp thông minh – Thủ Thiêm Eco Smakt City tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng...

Không chỉ ở “đầu tàu” TP Hồ Chí Minh, tại nhiều địa phương khác cũng đã có nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài cũng đã rót vốn đầu tư. Điển hình như Foxconn – một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại lớn hàng đầu thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple - chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính đến Việt Nam.

Giữa tháng 1 vừa qua, Foxconn đã đón giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất máy tính trị giá 270 triệu USD tại tỉnh Bắc Giang với quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm. Trong năm 2020, Panasonic (thương hiệu lớn của Nhật Bản) cũng đã ngừng sản xuất máy giặt và tủ lạnh ở Thái Lan để hợp nhất lắp ráp thiết bị tại Việt Nam... Có thể thấy xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian gần đây ngày càng tăng và lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện có 18 KCX, KCN, khu công nghệ cao (KCNC) đã thu hút số lượng lớn DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Trong năm 2020 mặc dù dịch COVID -19 vẫn diễn biến khá phức tạp nhưng các DN vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, các KCX, KCN có kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD, riêng KCNC xuất khẩu đạt 20 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư.

“Tuy nhiên, để có môi trường đầu tư tốt thì thành phố cần phải giải quyết những “điểm nghẽn” đang còn tồn tại về vấn đề về đất đai, về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính. Để chuyển dịch đầu tư theo hướng hậu COVID – 19, tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi về hướng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, cần phải cải thiện môi trường đầu tư để đón làn sóng đầu tư mới từ các DN FDI”, ông Bé nói.

Nói về việc thu hút đầu tư vào các KCX, KCN, KCNC trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Chúng tôi cảm nhận thành phố hỗ trợ cho DN FDI nhiều hơn hỗ trợ cho DN trong nước, hỗ trợ DN lớn nhiều hơn DN nhỏ”.

Ông Tống cho rằng, một số DN hội viên đã đầu tư ở nhiều địa phương khác thì thấy thủ tục nhanh hơn ở TP Hồ Chí Minh. Và do bị vướng thủ tục nên DN chậm triển khai, đó là khó khăn của DN. Ngành cơ khí chế tạo là ngành tạo ra máy móc giúp nhiều ngành nghề khác tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, về đầu tư, những DN đủ tiềm lực không nhiều, đa số là DN nhỏ nên các DN trong ngành rất cần sự hỗ trợ của thành phố để tăng động lực cho các DN trong ngành đầu tư, phát triển…

Về thu hút FDI, nhiều DN cho rằng cần chọn lọc, thẩm định kỹ để tránh những DN có nguồn vốn nhỏ không mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế Việt Nam nhiều, nhưng lại mang tính cạnh tranh. Thực tế cho thấy, có những DN trong nước hợp tác với DN FDI, sau một thời gian thì bị mất đơn hàng về tay các DN FDI.

Thu hút đầu tư FDI là chủ trương của Nhà nước nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy mà nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp hấp dẫn để mời gọi, thu hút các DN FDI vào đầu tư. Tuy nhiên, để cải thiện môi trường đầu tư, ngoài việc khắc phục những “điểm nghẽn” kể trên, nhiều DN cho rằng chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ bình đẳng giữa DN FDI và DN trong nước để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng thời cần có chọn lọc để thu hút DN FDI có chất lượng về dòng vốn, về công nghệ, để DN không chỉ hoạt động có hiệu quả mà còn bảo vệ, thân thiện hơn với môi trường.

Thúy Hà
.
.
.