Khai thác ẩm thực truyền thống phục vụ phát triển du lịch:

Không chỉ trông chờ sự năng động của tư nhân?!

Thứ Năm, 05/04/2018, 08:10
Được mặc định là di sản văn hóa, là phương tiện giao lưu văn hóa, nghệ thuật ẩm thực truyền thống đang được quan tâm khai thác như một dịch vụ hấp dẫn của du lịch.

Đây cũng là dịch vụ được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững. Nhưng, nếu chỉ có sự nhập cuộc tích cực của các cơ sở, đơn vị tư nhân và phát triển một cách tự phát, những sự kỳ vọng này sẽ khó thành hiện thực…

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2018, Việt Nam có trên 5.000 đầu bếp chuyên nghiệp. Hội đầu bếp Việt Nam đã được thành lập nhằm tập hợp các đầu bếp trong một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hội có chi hội ở hầu hết các tỉnh, thành có du lịch phát triển, góp phần đưa ẩm thực trở thành sản phẩm độc đáo, thu hút khách du lịch đến Việt Nam. 

Hiện tại, Hiệp hội Du lịch Việt Nam còn đang tích cực triển khai dự án “Xây dựng khu bảo tồn Ẩm thực truyền thống và tôn vinh Tổ nghề Đầu bếp Việt Nam”. Dự án này là một trong những nỗ lực nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ẩm thực Việt Nam, đồng thời hướng đến mục tiêu lâu dài là nâng cao hình ảnh của ẩm thực Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đưa ẩm thực trở thành một sản phẩm độc đáo của du lịch Việt. 

Rất nhiều hoạt động khác cũng đã, đang được triển khai: vinh danh nghệ nhân ẩm thực xuất sắc, tổ chức các cuộc thi ẩm thực, tọa đàm, hội thảo tìm giải pháp phát triển…

Thực tế, không phải đến hôm nay, giấc mơ đưa ẩm thực thành những “thương hiệu” rất riêng của Việt Nam để hấp dẫn du khách mới được chú trọng. Ngoài Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội đầu bếp Việt Nam, nhiều năm qua, ẩm thực Việt còn được quảng bá bước đầu khá bài bản và hiệu quả qua Tổ chức kỷ lục Việt Nam. 

Cùng với việc tôn vinh các đặc sản truyền thống nổi bật, xác lập hàng loạt kỷ lục cấp khu vực, ẩm thực Việt đã có vị trí nhất định trên “bản đồ ẩm thực” của thế giới.

Phát huy giá trị ẩm thực truyền thống để thu hút khách du lịch ngày càng được nhân rộng tại nhiều điểm đến của Việt Nam.

Theo PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, ẩm thực cũng là di sản văn hóa quan trọng và trong dịch vụ thì ẩm thực còn góp phần quyết định sự phát triển của du lịch. 

Sự phong phú của ẩm thực Huế đã góp phần thu hút du khách đến Huế là thực tế chứng minh ẩm thực kích cầu du lịch. Thống kê tại khu quần thể di tích Huế, 2017, ở Huế đã đón được 3 triệu khách, trong có 1,8 triệu khách nước ngoài, với tổng doanh thu là 12.000 tỉ  đồng… 

Hiện nay, Huế vẫn là địa phương có văn hóa ẩm thực truyền thống phong phú, luôn được du khách quan tâm khi đến địa phương và Huế cũng rất chú trọng bảo vệ văn hóa ẩm thực của mình.

Ông Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cũng cho biết, hai thập kỉ qua là thời kì phát triển nhiều nghiên cứu về ẩm thực và thực hành ẩm thực gắn với du lịch Việt. Đ

iều  này thể hiện ở nhiều luận án tiến sĩ, luận án thạc sĩ về ẩm thực, hội thảo, xuất bản phẩm về ẩm thực, nhiều trang web giới thiệu về món ăn, đồ uống đặc sắc của vùng miền, nhiều tour du lịch gắn với ẩm thực cũng được xây dựng, một số nghề nghiệp về ẩm thực được thành lập. Những hoạt động này ngày càng nâng cao nhận thức và phản ánh di sản ẩm thực quý giá ở Việt Nam.

Cũng theo ông Vương Xuân Tình, bản sắc ẩm thực Việt Nam gắn với vùng miền, tộc người và tôn giáo, dưới tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử và giao lưu văn hóa. Bản sắc đó phản ánh đậm nét trong các đặc sản ẩm thực. 

Trong mỗi món ăn, đồ uống, cách thức ăn uống còn có nhiều câu chuyện liên quan đến ăn uống. Đây chính là yếu tố làm nên sức hấp dẫn cho du lịch ẩm thực. Tuy nhiên, để du lịch ẩm thực Việt phát triển đúng với tiềm năng sẵn có thì đòi hỏi phải phải có chiến lược hành động hiệu quả hơn. 

Ở đó, nếu chỉ dựa vào sự năng động của doanh nghiệp tư nhân, của hệ thống nhà hàng và các hội, hiệp hội thì chưa đủ, mà cần cả quản trị của nhà nước và chính quyền địa phương cùng nhiều lĩnh vực khác.

PGS Đặng Văn Bài cũng chỉ ra rằng để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững, trước mắt, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp: Tổ chức thống kê các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; Tư liệu hóa di sản văn hóa ẩm thực; Đưa di sản văn hóa ẩm thực vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Vinh danh danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú;  Đưa di sản văn hóa ẩm thực vào các thiết chế văn hóa, phục vụ du lịch; Xây dựng một số trung tâm văn hóa ẩm thực – điểm đến du lịch…

Hoa Nguyễn
.
.
.