Khơi thông nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp Việt

Thứ Tư, 08/05/2019, 18:07

Tại Hội thảo “Tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam” do Uỷ ban chứng khoán và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 8-5, các chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết nới room cho nhà đầu tư nước ngoài để huy động thêm vốn vào Việt Nam.


Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, và trở thành một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Tính đến hết ngày 31-12-2018, tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam là 310 tỷ USD, trong khi quy mô thị trường chứng khoán đạt 170 tỷ USD.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho biết, có rất nhiều sản phẩm được giao dịch trên thị trường chứng khoán ở các nước, nhưng lại không được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu công cụ, thiếu sự hấp dẫn, ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các công ty niêm yết. 

Hiện, CIEM và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đang xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi và Luật doanh nghiệp sửa đổi, mục tiêu xây dựng chính sách phải đa dạng hóa công cụ và giúp công ty huy động vốn, giúp nhà nước cân bằng giữa thuận lợi kinh doanh và an toàn xã hội.

Thị trường vốn ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu huy động và phân bổ các nguồn lực cho đầu tư phát triển

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch SSC cho biết, thị trường vốn ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu huy động và phân bổ các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thị trường chứng khoán từng bước là kênh huy động vốn quan trọng, nhất là đối với chính quyền các địa phương và DN. Các DN Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm và tham gia huy động vốn trên thị trường chứng khoán để đa dạng hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh. 

“Ngành tài chính, chứng khoán đã nỗ lực để xây dựng các chính sách nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này có tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam", ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng đã giảm các thủ tục hành chính trong việc tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài; thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh. Các giải pháp trên giúp tăng cường vốn cho thị trường. 

“Tuy nhiên, trong quá trình khiển khai, chúng tôi nhận thấy một số vướng mắc khiến thu hút nhà đầu tư nước ngoài chưa được như mong muốn. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chính sách, trong đó có chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Sơn cho biết thêm.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên chuyên trách Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã đưa ra giải pháp giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo bà Hà, trong 376 công ty niêm yết trên sở, hiện nay chỉ có 25 DN tại TP.Hồ Chí Minh mở room 100%, 3 công ty mở room 51%-70%, 317 công ty giữ nguyên tỷ lệ 49%, 8 công ty có room 30% (nước ngoài), 23 công ty hạn chế bớt sở hữu nước ngoài tại công ty (dưới 49%). 

Các công ty niêm yết khi nới room phải rà soát ngành nghề có điều kiện và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin và tiến hành thủ tục với cơ quan hữu quan. Bên cạnh đó, về mặt kinh tế khi nới room trên 51% bị coi là DN có vốn nước ngoài, như lĩnh vực y tế bị hạn chế đầu tư vào khu vực công, hay IT gặp bất lợi nhất định khi tham gia vào các dự án có vốn nhà nước...

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, tính đến hết ngày 31-12-2018, tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam là 310 tỷ USD, trong khi quy mô thị trường chứng khoán đạt 170 tỷ USD. Dữ liệu ngày 23-4-2019 của Daragon Capital cho thấy, tổng vốn hóa trên 2 sàn niêm yết là HOSE và HNX đạt tới 145 tỷ USD. Tổng vốn hóa nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ trên hai sàn này đạt 35 tỷ USD; số cổ phần tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài còn lại là 18 tỷ USD. 

Hiện nay DN FDI rất khó bỏ vốn vào DN Việt vì không có cổ phiếu để đầu tư. Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn cho rằng cần đưa ra giải pháp tổng thể cho thị trường với 4 yếu tố: độ sâu, độ rộng của thị trường, cân bằng thông tin và khung pháp lý hoàn thiện, không chồng chéo.

Mặc dù vậy, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam rất lớn. Nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 24,6% giá trị giao dịch tại VN-Index, tương đương khoảng 31 tỷ USD và 27,35% trong VN30. Top 3 ngành nắm giữ là tiêu dùng thiết yếu (trên 50%), ngành công nghệ thông tin (48%) và y tế (trên 40%). 

Theo đại diện HOSE, lĩnh vực có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên HOSE lớn nhất gồm tiêu dùng, công nghệ thông tin. Để thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý cũng đã thực hiện các giải pháp tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường chứng khoán và triển khai các sản phẩm mới.


Lưu Hiệp
.
.
.