Khó khăn lắm mới nhập khẩu thịt lợn
- Giá thịt lợn tăng phi mã, khuyến cáo người dân dùng thịt đông lạnh
- Cân đối cung - cầu mặt hàng thịt lợn cho thị trường Tết 2020
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 25-11, số lượng lợn bị tiêu huỷ do dịch tả lợn châu Phi từ tháng 6 đến nay liên tục giảm, dự kiến trong tháng 11 sẽ giảm đến 60% so với thời điểm tháng 5 (cao điểm thiệt hại của dịch). Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi đã có nhiều kết quả tích cực.
Theo ông Dương, trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Trung Quốc có khoảng 600 triệu con lợn, trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 60 triệu con. Dịch tả lợn đã khiến khoảng 50% tổng đàn lợn của Trung Quốc bị thiệt hại; 1 năm nay người tiêu dùng Trung Quốc cũng phải dùng lợn giá cao. Các quốc gia khác lân cận Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, đối với công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam đã giảm thiểu tối đa thiệt hại, trong bối cảnh các nước có ngành chăn nuôi phát triển cũng không tránh được. “Trong cuộc họp bàn giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý (nhu cầu thịt lợn sẽ tăng từ 25-30%/ngày).
Phó Thủ tướng chỉ đạo bằng mọi giá không để thiếu thịt, nhất là thịt lợn trong dịp Tết nhưng phải đảm bảo được lợi ích các bên là doanh nghiệp, người chăn nuôi, giữ ổn định thị trường chăn nuôi. Việt Nam không dễ có được ngành hàng thịt lợn phát triển như hiện nay khi đứng thứ 6 thế giới về đầu lợn, có lúc đứng thứ 4 thế giới. Bộ NN&PTNT chắc chắn tìm mọi cách để đủ nguồn cung thịt lợn. Việt Nam là nước nông nghiệp không thể chỉ đi nhập khẩu thịt lợn về để ăn, “cực chẳng đã” mới phải nhập khẩu không để thiếu nguồn cung và không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng", ông Dương nói.
Ông Dương cũng cho rằng, thịt lợn là mặt hàng nhập khẩu tự do, doanh nghiệp tính toán có lợi thì sẽ nhập. "Nhưng đứng trên góc độ ngành chăn nuôi thì không ai muốn, nhưng nếu thiếu nguồn thì việc nhập khẩu là quy luật tự nhiên theo kinh tế thị trường."Trước mắt nhập khẩu cần kiểm soát tốt cả về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng. Hiện nay, giá thành sản phẩm thịt lợn trên thế giới đang cao lên, khu vực ăn thịt lợn nhiều nhất là châu Á, điển hình là Trung Quốc, nguồn cung thế giới cũng có thể thiếu theo. Nếu hàng nhập khẩu được kiểm dịch tốt, xuất xứ tốt, hạn sử dụng tốt thì giá có về cũng không phải là giá thấp", quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi dự đoán.
Việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: An Nguyên. |
Hiện Bộ NN&PTNT xác định tăng sản xuất các loại vật nuôi an toàn là gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản... Lựa chọn này là khoa học, phải tái cơ cấu cả sản xuất ngành chăn nuôi, tái cơ cấu cả bữa ăn hàng ngày, không quá lệ thuộc vào một mặt hàng thực phẩm. “Theo tôi, vẫn phải tái cơ cấu thay đổi quy mô, giảm chăn nuôi lợn, tăng nuôi những con khác lên. Một chút thịt lợn, bò, gà, trứng, thủy sản… mới tạo ra khẩu phần ăn hợp về dinh dưỡng và khẩu vị, tận dụng lợi thế sinh học. Gia cầm vòng đời ngắn, chi phí chăn nuôi thấp. Trong khi nuôi lợn thời gian khá dài, mất tới 6 tháng, lợn nái thì vòng đời cả năm, áp lực môi trường… ", ông Dương nhận định và cho biết, từ 3 tháng trước, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo: Một là mở rộng quy mô đàn ở những vùng, cơ sở an toàn dịch. Tái đàn ở chỗ bị dịch thì sau 30 ngày hết dịch phải kiểm tra không có mầm bệnh, kiểm soát được chăn nuôi an toàn sinh học thì địa phương tạo điều kiện để tái đàn. Thịt lợn không chỉ thiếu từ nay đến Tết mà còn thời gian dài sau đó nữa. Không tái đàn thì không thể đủ, tái đàn nhưng không để tái dịch là nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan.
Còn tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Hà Nội sẽ không thiếu thịt lợn trầm trọng như các địa phương khác. Hà Nội hiện có tổng đàn lợn lớn thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Đồng Nai) với khoảng 1,9 triệu con. Sau 10 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 40,8% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi ở 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 543.191 con (chiếm gần 30% tổng đàn) với trọng lượng 37.119 tấn.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhu cầu thịt lợn của Hà Nội trung bình khoảng 600 tấn/ngày. Với diễn biến thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi thời gian qua, Hà Nội cũng rơi vào tình trạng thiếu thịt lợn như các địa phương khác nhưng sẽ không thiếu trầm trọng như các điạ phương khác do hầu hết các công ty, trang trại chăn nuôi lợn lớn của Hà Nội vẫn giữ được đàn lợn tương đối lớn và đang sản xuất khá ổn định. Số lợn bị thiệt hại của Hà Nội chủ yếu nằm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bên cạnh đẩy mạnh tăng đàn có điều kiện (kiểm soát) và khuyến cáo các doanh nghiệp, trang trại, người chăn nuôi kéo dài thời gian nuôi nhằm tăng trọng lượng lợn thịt, Hà Nội đang phối hợp rất tốt với các tỉnh, TP lân cận trong việc tiếp nhận nguồn thịt lợn về giết mổ tại các cơ sở lớn trên địa bàn. Điển hình như lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), trung bình mỗi ngày giết mổ từ 2.000 – 2.500 con lợn. Theo ông Đăng, vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sẽ có một lượng lớn người dân cư trú tại Thủ đô trở về quê nghỉ lễ. Điều này cũng sẽ góp phần giảm áp lực về tiêu thụ thịt lợn cho thị trường Hà Nội.