Hàng loạt điểm kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm gian lận

Thứ Hai, 09/07/2018, 09:17
Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đồng loạt tổng kiểm tra cơ sở sản xuất, shop... nhóm các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn phát hiện nhiều vi phạm.

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đồng loạt tổng kiểm tra 96 cơ sở sản xuất, shop, cửa hàng, điểm kinh doanh nhóm các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, phát hiện nhiều vi phạm.

Kiểm tra tại cửa hàng Tường Huệ (phường 11, quận 5), Đội QLTT 2A phát hiện kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu các loại như: kem dưỡng, son môi, chì kẻ mắt... tổ công tác đã lập biên bản, thu giữ 2.446 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu các loại; Kiểm tra điểm kinh doanh thuốc đông dược Vĩnh Xuân (phường 7, quận 5), Đội QLTT 2A cũng tạm giữ 2.172 sản phẩm thuốc đông dược và thực phẩm chức năng các loại không có hóa đơn chứng từ. 

Tại hệ thống gồm các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Koala, các Đội QLTT tạm giữ tại cửa hàng ở phường 2, quận 10, 580 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm và cửa hàng ở phường 2, quận Tân Bình 501 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc. 

Riêng cửa hàng ở phường Bến Thành, quận 1, tổ kiểm tra cũng đã tạm giữ 260 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại nhưng chủ cửa hàng chưa xuất trình hóa đơn chứng từ cho tổ kiểm tra.

Cán bộ QLTT thu giữ nhiều hàng giả, hàng lậu tại một điểm kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng vào ngày 7-7.

Tại chợ Bến Thành (phường Bến Thành, quận 1), Đội QLTT 1B kiểm tra, phát hiện sạp 652 đang kinh doanh 362 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu. Sạp 693 kinh doanh 399 mỹ phẩm nhập lậu và sạp 641 kinh doanh 381 sản phẩm mỹ phẩm lậu. 

Tất cả các loại mỹ phẩm nhập lậu kinh doanh tại các sạp trên đã bị Đội QLTT kiểm tra thu giữ. Đặc biệt, tại “chợ sỉ” tân dược ở quận 10, đội kiểm tra đã phát hiện số lượng lớn tân dược vi phạm đang kinh doanh tại đây như: Gian I3, Công ty TNHH dược phẩm CTP do ông Nguyễn Thanh Tuấn làm chủ kinh doanh, hàng hóa bị thu giữ là 30.900 viên tân dược Hàn Quốc sản xuất, không hóa đơn chứng từ. 

Kiểm tra tại gian J10- Công ty TNHH dược phẩm Minh Quân (do Bành Hữu Thiên làm chủ kinh doanh), tại  gian F11-F12-F20 Công ty TNHH dược phẩm Thiên Trí và gian M7-8 của Công ty CP DP Hồng Sâm thu giữ tổng cộng 18.360 đơn vị sản phẩm tân dược các loại không có hóa đơn chứng từ và 14 thùng tân dược và thực phẩm chức năng (chưa kiểm đếm) không có hóa đơn chứng từ tại gian D24 của Công ty TNHH TM Dược phẩm Minh Sang… 

Đặc biệt, tại các nhà thuốc khi bị kiểm tra đều phát hiện kinh doanh hàng nhập lậu và thực phẩm chức năng các loại. Kể cả tại các Trung tâm sức khỏe và sắc đẹp, lực lượng kiểm tra cũng phát hiện kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng các loại là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ. 

Kiểm tra cơ sở sản xuất mỹ phẩm, cơ quan chức năng cũng phát hiện Công ty TNHH SX TM WuMi (xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh), sản xuất mỹ phẩm không công bố chất lượng, sử dụng mã vạch không giấy chứng nhận, hàng hóa bị thu giữ gồm 2.700 miếng mặt nạ dưỡng da trà xanh.

Ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết: “ TP Hồ Chí Minh là địa bàn rộng, việc sản xuất kinh doanh cũng phức tạp nên để kiểm tra sâu sát hết tất cả các điểm sản xuất kinh doanh là không dễ. Với việc kiểm tra các nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc y học cổ truyền, thì Chi cục QLTT cần phối hợp với các ngành như Sở Ytế, Sở Công Thương, để công tác kiểm tra sâu sát và có hiệu quả hơn”.

Ông Trần Hùng – Cục phó Cục QLTT (Bộ Công Thương), cho rằng việc kinh doanh, buôn bán hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế, môi trường đầu tư; uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ông Hùng đề nghị khi cơ quan chức năng phát hiện các vụ việc sai phạm về kinh doanh hàng gian, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ,…cần công khai để người dân được biết.

Theo kết quả kiểm tra, hàng hóa vi phạm bị tạm giữ gồm 128.647 đơn vị sản phẩm, trị giá khoảng hơn 500 triệu đồng. Trong đó, riêng mặt hàng mỹ phẩm có 20.050 đơn vị sản phẩm; dược phẩm 76.849 đơn vị sản phẩm; đông dược 4.524 đơn vị sản phẩm; thực phẩm chức năng 11.512 đơn vị sản phẩm... Số vụ còn lại, hàng hóa chưa kiểm đếm hoặc đang tiếp tục làm rõ.

Thúy Hà
.
.
.