Hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt tiêu thụ tại thị trường nội địa

Thứ Năm, 11/07/2019, 08:07
Ngày 9-7, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay tại thị trường nội địa nổi lên tình trạng hàng hoá gian lận xuất xứ, gắn mác “Made in Vietnam”.


Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện có nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường, bị phát phiện chứa độc tố hoặc hàm lượng vượt mức cho phép, đặc biệt là chất phụ gia ngoài danh mục, nhất là sản phẩm liên quan đến thực phẩm. Có hàng hóa thẩm lậu qua biên giới vào Việt Nam nhưng ghi trên bao bì là xuất xứ tại Việt Nam. 

Trước đó đã từng xảy ra một số vụ nhiều vật liệu xây dựng, ổ khoá từ biên giới từ nước ngoài nhập vào Việt Nam nhưng ghi là “Made in Vietnam”. Hay như khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt. Tuần trước lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra ở chợ Ninh Hiệp phát hiện hầu hết toàn bộ quần áo túi xách dán nhãn “Made in Vietnam”… 

Lý giải vấn đề này, ông Linh cho rằng, do người Việt chuộng hàng Việt hơn nên nhiều doanh nghiệp tận dụng xuất xứ là “Made in Vietnam” để tiêu thụ hàng trôi nổi trong thị trường nội địa dù bị cảnh báo rất nhiều.

Bên cạnh đó, tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước ngoài hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh thuế cao ngày càng diễn biến phức tạp. Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Khi có thông tin dấu hiệu về gian lận xuất xứ hàng hóa, chúng tôi đã yêu cầu các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) siết chặt việc quản lý với các mặt hàng như: Lốp ôtô, pin mặt trời, thép cán nguội… Chủ động tiếp xúc với phía EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc đề nghị hợp tác chống gian lận xuất xứ. 

Tuy nhiên, ông Lê Triệu Dũng cũng cho rằng, mặc dù các đơn vị đã nỗ lực trong cảnh báo hành vi lẩn tránh siết chặt quản lý, giám sát nhưng cho tới nay, nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gian lận xuất xứ vẫn đang gia tăng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để tạo chuyển biến trong công tác phòng chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, trước mắt, cần tập trung nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Canada tăng nhanh trong thời gian vừa qua như gỗ, sản phẩm từ gỗ, giày dép, dệt may. 

Mặt khác, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu. 

Theo đó, một số công việc cụ thể sẽ được thực hiện bao gồm: thành lập Tổ thường trực thực hiện Đề án hoặc giao Cục Phòng vệ thương mại làm đầu mối thực hiện kế hoạch; Thành lập tổ công tác liên ngành phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá do Bộ Công Thương chủ trì, rà soát lại cơ chế, hệ thống cấp C/O để có kiến nghị, nghiên cứu đề xuất nâng mức phạt với các hành vi gian lận xuất xứ; rà soát, kiến nghị việc tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất, đặc biệt với nhóm hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao.

Phan Đức
.
.
.