Hàng Việt cạnh tranh với hàng ngoại trên thị trường Tết

Thứ Bảy, 10/02/2018, 22:56
Nếu như mọi năm, hàng Trung Quốc ồ ạt cạnh tranh với hàng Việt thì mùa Tết năm nay, hàng Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc xuất hiện tràn ngập trên thị trường. Xu hướng chuộng mua các sản phẩm có xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc của người tiêu dùng (NTD) rộ lên trong thời gian gần đây đã khiến hàng Trung Quốc thất thế…

Theo ghi nhận của PV, tại cửa hàng chuyên bán hàng Thái Lan (đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp) trong những ngày cận Tết, NTD mua sắm khá đông đúc. Nếu hàng Việt có sản phẩm nào thì tại cửa hàng này cũng đều có sản phẩm đó nhưng lại là sản phẩm mang “made in Thái Lan”...

Nếu so với sản phẩm Việt thì giá sản phẩm Thái Lan có nhích hơn một chút. Cửa hàng chuyên bán đồ Nhật (đường Hai Bà Trưng, quận 1) bán đủ nhóm hàng gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo... với nhiều sản phẩm lạ cũng được NTD ưa chuộng như: dầu gạo cao cấp làm từ 100% cám gạo Nhật Bản; nước tương ít muối ngoài thành phần đậu nành còn có lúa mỳ, dấm, sake ngọt; rượu mơ choya... có giá từ 75.000 – 350.000 đồng/sản phẩm. Nhiều NTD cho rằng, sở dĩ chuộng hàng Nhật Bản, Thái Lan là do sản phẩm có chất lượng cao nhưng giá khá mềm.

Thị trường hàng Tết bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hàng Việt và hàng ngoại. Ảnh minh họa: CTV

Do nắm được tâm lý của NTD Việt, trong thời gian qua, hàng loạt chuỗi cửa hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan lần lượt “phủ” khắp các tuyến đường trọng điểm tại các thành phố lớn và trong các trung tâm thương mại, đã thu hút sự quan tâm của NTD.

Như Thái Lan, có đại siêu thị được xem như lớn nhất Việt Nam là Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị. Bsmart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị. Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim…

Nhật Bản thì có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích Family Mart, hệ thống 7-Eleven; Hàn Quốc có hệ thống siêu thị Lotte Mart, Emart, các chuỗi cửa hàng đồng giá Ilahui, Mumuso… và cửa hàng tiện lợi SG25.

Kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2017 vừa mới công bố cho thấy, sản phẩm ngoại nhập từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc được NTD thường mua trước đây chỉ đạt tỷ lệ dưới 3%, nhưng nay đã tăng vọt lên 8 - 10%. Thậm chí, một số sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống, tỷ lệ mua dùng lên đến 12-17%.

Kết quả này cũng cho thấy, một mặt NTD Việt vẫn còn tâm lý sính ngoại, nhưng mặt khác cũng không thể phủ nhận rằng chất lượng, giá cả sản phẩm cùng với những “bước đi” thận trọng, bài bản của các DN ngoại khi khai thác thị trường Việt là những ưu thế để cạnh tranh với hàng Việt ngay trên “sân nhà”.

Chẳng hạn, để chiếm thị phần thị trường Tết, các DN ngoại đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm mà DN Việt không có hoặc những sản phẩm “hút” trong mùa Tết nhưng có giá rất cạnh tranh như: Hàn Quốc có nho mẫu đơn, nho muru, hồng đông lạnh, hồng dẻo, dâu tây,... giá 100.000 – 350.000 đồng/kg; Nhật thì có các loại: cherry, dâu anh đào, dâu bạch tuyết, nho tiêu, hồng giòn, biwa, xoài đỏ,... giá từ 400.000 -1,8 triệu đồng/kg. Các loại bánh mochi Nhật với đủ vị trái cây giá từ 40.000 đồng/gói 40gr. Bánh nếp, bánh dày Nhật 170.000 đồng/gói 400gr; Thái Lan thì nổi tiếng với các loại mứt trái cây, có giá từ 450.000 – 850.000 đồng/kg. Kẹo bông gòn, kẹo chua, kẹo bò, socola nhân trái cây giá từ 9.000 – 120.000 đồng/sản phẩm. Đặc biệt, cà phê có vị sầu riêng, xoài, dừa,... giá 98.000 đồng/200gr.

Trong khi tỷ lệ NTD mua sắm các loại sản phẩm Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật tăng cao thì theo kết quả khảo sát sản phẩm Việt đã giảm đáng kể (lần lượt giảm 27% và 32%) so với kết quả khảo sát năm 2016. Điều này rất đáng lo ngại vì niềm tin của NTD vào thương hiệu Việt bị giảm sút trong thời gian gần đây.

Nguyên nhân do có nhiều DN Việt làm ăn gian dối, đánh mất niềm tin của NTD đối với hàng Việt. Một khi niềm tin của NTD đối với hàng Việt bị xói mòn thì “lỗ hổng” sẽ bị khoét ngày càng lớn và đây chính là cơ hội cho hàng ngoại xâm nhập.

Người tiêu dùng mua sắm hàng Tết tại cửa hàng của DN ngoại.

Theo đánh giá của bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao: Hệ thống bán lẻ là nhân tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục NTD.

Tại thị trường Việt Nam, các DN Thái, Nhật, Hàn không chỉ dừng lại ở việc thâu tóm không gian kết nối NTD với sản phẩm, mà các DN này còn thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm chinh phục NTD.

Cùng với nỗ lực của DN, đó là sự hỗ trợ cần thiết và hiệu quả từ phía các cơ quan hữu trách của họ. “Trong cuộc đua trên thị trường, sản phẩm của DN, quốc gia nào chinh phục được niềm tin NTD thì sẽ thắng thế”, bà Hạnh khẳng định

Thúy Hà
.
.
.