Hải quan bán đấu giá lô thịt trâu 170 tấn nhập lậu có đúng luật?

Thứ Tư, 01/08/2018, 08:39
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa thông báo tổ chức bán lô hàng gần 170 tấn thịt trâu đông lạnh bắt giữ trong tháng 2. Trong khi đó, trong lĩnh vực Thú y, đối với những lô hàng nhập lậu, không có giấy tờ nguồn gốc buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, khách hàng trúng đấu giá tự chịu chi phí trong việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, sau khi mua được hàng hóa phải xuất khẩu toàn bộ lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Lô hàng này được lực lượng Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phát hiện và thu giữ vào tháng 2 vừa qua.

Trao đổi về việc bán đấu giá này, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, theo quy định của pháp luật, hàng hoá nhập lậu nói chung sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (và sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP).

Ngoài ra, việc bán đấu giá hàng nhập lậu còn căn cứ vào hàng hoá đó còn có giá trị sử dụng hay không và cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản Nhà nước khác có liên quan để thực hiện. Đáng nói, Cục Thú y thông tin, ngày 11-6-2018, Hải đội kiểm soát trên biển miền Bắc đã có Công văn số 24/HĐ1-TMNV gửi Chi cục Thú y vùng II về việc đề nghị Chi cục Thú y vùng II tiến hành lấy mẫu để giám định chất lượng và kiểm dịch lô hàng vi phạm là 168.250kg thịt trâu đông lạnh được tịch thu.

Ngày 12-6-2018, Chi cục Thú y vùng II đã có Công văn trả lời số 270/TYV2- KD về việc lấy mẫu để giám định chất lượng và kiểm dịch. Theo đó, nếu sản phẩm động vật không có khai báo kiểm dịch, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, không có tài liệu liên quan chứng minh cho việc đã làm thủ tục nhập khẩu đã được quy định tại Luật Thú y và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30-6-2016 thì theo khoản 3, Điều 18 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y, hình thức xử lý là buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ số thịt trâu đông lạnh nêu trên.

Do vậy, Chi cục Thú y vùng II không tiến hành lấy mẫu theo đề nghị của Cục Điều tra chống buôn lậu - Hải đội kiểm soát trên biển khu vực phía Bắc.

Cũng theo  Cục Thú y, để sản phẩm động vật nhập khẩu bảo đảm làm thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật như: Có danh sách nhà máy sản xuất của nước xuất khẩu trước khi xuất khẩu vào Việt Nam, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu,…

“Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y: Nếu không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thì phải buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ lô hàng, không cần kết luận lô hàng có bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng hay không”, đại diện Cục Thú y nhấn mạnh.

Diệp Linh
.
.
.