Giải pháp thay thế khi giá thịt lợn tăng cao

Thứ Hai, 04/05/2020, 07:31
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi phải giảm giá lợn hơi ngay từ đầu tháng 4, nhưng cho đến nay giá thịt lợn trên thị trường không những không giảm, mà còn tăng, thậm chí tăng mạnh nhất từ trước đến nay. Một số giải pháp cũng được thực hiện để kéo giảm giá thịt lợn, tuy nhiên giá thịt lợn trong nước vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt...


Giá thịt lợn trong nước “treo” ở mức cao từ trước Tết Nguyên đán do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi cùng với sức mua tăng mạnh do dịp Tết, người tiêu dùng (NTD) hy vọng qua Tết không còn áp lực mua sắm, sức mua giảm, giá thịt lợn theo đó cũng giảm theo. Tuy nhiên, kể từ sau Tết, giá thịt lợn trên thị trường không những không giảm, mà còn tăng mạnh hơn.

Nhằm bình ổn thị trường thịt lợn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các DN chăn nuôi từ ngày 1/4 phải giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, tiến tới giá thấp hơn vào những quý cuối năm 2020. Nhưng, hiện giá lợn hơi trên cả nước vẫn duy trì ở mức cao 83.000 - 93.000 đồng/kg. Trước tình hình đó, nhằm giảm áp lực thịt lợn trong nước, nhiều đơn vị đã nhập khẩu số lượng lớn thịt lợn.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 28/4, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 50.000 tấn thịt lợn, chủ yếu từ các quốc gia như Liên bang Nga, Canada, Brazil, Đức, Ba Lan, Mỹ (tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019). Hiện tại, giá nhập khẩu thịt lợn khác nhau ở mỗi quốc gia, mức giá trung bình nhập từ các nước về tới cảng Việt Nam khoảng 2,55 USD/kg, tương đương gần 60.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn nhập khẩu tại siêu thị.

Thịt nhập khẩu về Việt Nam giá thấp, giá bán ra thị trường cũng rẻ hơn nhiều so với thịt lợn trong nước. Điển hình, tại cửa hàng của Công ty Thiên Bút (quận Tân Phú), thịt cốt lết 95.000 đồng/kg, bắp giò 80.000 đồng/kg (nhập khẩu từ Canada), sườn 100.000 đồng/kg, chân giò trước 60.000 đồng/kg (nhập khẩu từ Ba Lan), sườn 120.000 đồng/kg, ba rọi không da 125.000 đồng/kg (nhập khẩu từ Mỹ)...

Tại siêu thị Big C, một số sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Brazil, Canada, Mỹ, Ba Lan, Đức, sau khi giảm giá 10% - 15% còn 119.000 đồng/kg thịt sườn, thịt cốt lết 88.000 đồng/kg, thịt ba rọi 134.000 đồng/kg, thịt nạc dăm 123.000 đồng/kg..., nhìn chung giá thịt nhập khẩu rẻ hơn giá thịt trong nước 20% - 40%.

Mặc dù giá rẻ, nhưng sức mua của NTD đối với thịt lợn nhập khẩu chưa cao. Lý giải nguyên nhân thịt lợn nhập khẩu tiêu thụ chậm, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho rằng, NTD hiện nay chưa có thói quen dùng thịt lợn nhập khẩu, thói quen tiêu dùng của người dân đa số vẫn thích sử dụng hàng tươi.

“Với chương trình “Tuần lễ thịt lợn nhập khẩu” diễn ra từ ngày 24/4 đến 3/5 tại Big C, mục đích của chúng tôi là muốn giới thiệu và hướng NTD sử dụng thêm thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu, có thêm một sự lựa chọn cho bữa ăn khi mà giá thịt tươi trong nước đang còn cao và hy vọng chương trình này sẽ góp phần giảm giá thịt lợn xuống, giúp NTD bớt khó khăn”, bà Phương nói.

Trong khi thịt lợn trong nước có giá đắt đỏ, thì thịt lợn nhập khẩu là một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, do thói quen của NTD nên thịt ngoại nhập khẩu hiện đang trong quá trình từng bước chinh phục NTD nội địa. Ngoài thịt nhập khẩu, các chuyên gia cũng khuyên NTD nên chuyển sang ăn thịt gà bởi có nhiều loại gà trong nước hiện có giá rẻ, giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt lợn. Điển hình như thịt gà công nghiệp giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, gà ta giá chỉ từ 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát về việc bình ổn giá thịt lợn trong thời gian gần đây, nhưng theo Bộ NN&PTNT, có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn không thể hạ nhiệt. Cụ thể, 15 DN chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt, còn lại 65% thị phần do DN nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Vì vậy, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, giá lợn hơi xuất chuồng đến tay NTD phải qua nhiều khâu trung gian nên giá thịt lợn đã bị đẩy lên cao. Vì vậy, một trong những giải pháp giúp thịt lợn hạ nhiệt là nhập khẩu thịt lợn để góp phần tăng thêm nguồn cung hiếu thụt và bình ổn giá. Ngoài ra, đẩy mạnh việc tăng đàn, tái đàn, vì sau dịch tả lợn châu Phi đến nay đàn lợn vẫn chưa được khôi phục.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2019 là năm cực kỳ khó khăn của ngành Chăn nuôi do dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ tháng 2 khiến sản lượng thịt lợn giảm rất mạnh. Thịt lợn chiếm thị phần nhiều nhất, lên tới 60%  trong cơ cấu thịt tiêu thụ ở nước ta, gia cầm 25%,  còn lại là các sản phẩm khác.

Để tránh bị động, định hướng năm 2020 là tất cả các mô hình chăn nuôi phải vào khuôn khổ, phải thực hiện theo chuỗi, phục vụ cho mọi đối tượng. Cơ cấu sản phẩm chăn nuôi phải đi theo xu hướng thế giới. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để giảm thị phần thịt lợn xuống theo lộ trình, cố gắng đến năm 2030 thị phần thịt lợn giảm xuống dưới 60%, thịt gia cầm tăng lên 28%.

“Để làm được việc này, cần đẩy mạnh tuyên tuyền để NTD hiểu rõ giá trị dinh dưỡng của thịt gia cầm, tư đó thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn”, ông Trọng nói.

Thúy Hà
.
.
.