Giải pháp nào cho du lịch giá rẻ phát triển?

Chủ Nhật, 15/07/2018, 10:21
Sau hàng loạt hiện tượng biến tướng phát sinh cùng nhiều vấn đề bị phản ánh là gây phản cảm của khách du lịch thuộc phân khúc thị trường giá rẻ, không ít ý kiến cho rằng nên giảm khai thác khu vực này để tập trung cho thị trường cao cấp.

Quyết định gia hạn miễn thị thực cho 5 nước châu Âu liên tiếp trong 5 năm góp phần tích cực thu hút khách có mức chi tiêu cao mới đây là một điển hình. Nhưng trong thực tế, du lịch giá rẻ vẫn là khu vực nhiều tiềm năng của du lịch Việt, dù rằng, ứng xử như thế nào với thị trường này thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Trao đổi về thị trường du lịch giá rẻ, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty VietSense Travel cho biết,  hiện nay, nhiều người đang hiểu chưa đúng về du lịch giá rẻ.  Thực chất, đây là thị trường mà các công ty du lịch, lữ hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch chào và bán tour du lịch, dịch vụ du lịch phục vụ cho khách hàng có sức chi trả thấp. Sở dĩ các sản phẩm này có giá rẻ là do tính chất của dịch vụ của các tour ngắn ngày, gần điểm đến, chất lượng dịch vụ phổ biến và thấp. Giá rẻ còn do lợi thế cạnh tranh của nhà cung cấp dịch vụ và số lượng dịch vụ cụ thể mỗi tour.

Nếu khách chỉ sử dụng các dịch vụ cơ bản thì giá thấp, ngược lại, càng sử dụng nhiều dịch vụ đi kèm thì giá càng cao. Nhận định ứng xử không tốt của du khách là do thị trường giá rẻ tạo ra không hẳn đúng. Lâu nay, khách hàng mua tour giá rẻ thường bức xúc vì chưa hiểu bản chất của du lịch giá rẻ là do tính chất dịch vụ thấp. Cũng vì rẻ nên dễ có khả năng mua. Nhưng, đối tượng của thị trường du lịch giá rẻ rộng hơn nhiều và khi thu nhập của người dân còn thấp thì du lịch giá rẻ còn nhiều tiềm năng.

Ông Tài cũng cho rằng, các công ty du lịch, lữ hành và các nhà quản lý đều mong muốn hướng tới thị trường cao cấp nhưng số lượng du khách có sức chi cao chưa nhiều. Khách có mức chi cao lại rất khắt khe về chất lượng, phong cách phục vụ, danh tiếng thương hiệu nên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để khai thác thị trường này. 

Thực tế, các doanh nghiệp phải căn cứ và nguồn lực, khả năng của mình để chọn phân khúc thị trường cho sản phẩm. Với những khách hàng ở ngoại tỉnh chưa có nhiều trải nghiệm du lịch, tài chính hạn hẹp thì những điểm đến gần, thời gian chuyến đi ngắn, dịch vụ bình dân vẫn là chủ yếu. Với những khách hàng ở thành phố lớn, đã có nhiều trải nghiệm thường có nhu cầu về các tour đi xa, dài ngày sẽ có sản phẩm du lịch với dịch vụ cao cấp hơn. Các doanh nghiệp lữ hành như VietSense Travel phải chủ động phân loại khách hàng để đưa ra những gói dịch vụ phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo đúng, đủ dịch vụ so với giá tương xứng và hợp lý.

Sapa là điểm đến của đông đảo du khách trong những ngày nắng nóng nhưng phần lớn vẫn là khách bình dân.

Kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch Việt Nam đối với khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 cũng cho thấy, khách đi theo tour chiếm 39,86%, khách đi tự sắp xếp chiếm 60,14%.  Chi tiêu bình quân của khách có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú là 1.171,3 USD/lượt. Trong đó khách đến từ châu Á chi 995,7 USD/lượt, châu Âu chi 1.295,3 USD/lượt, châu Đại Dương chi 1.791,1 USD/lượt, châu Mỹ chi 1.525,1 USD/lượt.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, lâu nay, chúng ta vẫn quan niệm khách tự đi du lịch thường chi tiêu thấp và thị trường du lịch giá rẻ tập trung ở khu vực châu Á nhưng kết quả điều tra cho thấy mức chi tiêu giữa du khách châu Á và châu Âu không quá nhiều.  Chưa kể, chúng ta đang nỗ lực phát triển các dòng sản phẩm mới, khuyến khích các thị trường du lịch có khách chi tiêu cao sang Việt Nam song tỷ lệ này còn khiêm tốn nên du lịch giá rẻ vẫn cần tiếp tục duy trì, phát triển.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhận định, các vấn đề từ thị trường giá rẻ và chất lượng tour của các công ty lữ hành trong thời gian vừa qua rất phức tạp, có mặt tích cực, có mặt tiêu cực. Trong đó, các tiêu cực nảy sinh bị phản ứng gay gắt như ứng xử của khách thiếu tinh tế, những biến tướng, tiêu cực trong hệ thống cửa hàng khép kín, chỉ bán cho khách Trung Quốc dẫn đến chưa kiểm soát được việc tiêu thụ hàng giả, bán hàng với giá rất cao, không rõ nguồn gốc, trốn thuế qua hình thức thanh toán trực tiếp qua các phương tiện của người nước ngoài. 

Mới đây, hoạt động này còn bị chính các công ty của Trung Quốc phản ánh, đề nghị phải có biện pháp ngăn chặn vì không chỉ khiến hình ảnh điểm đến sẽ méo mó mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Cụ thể là khách du lịch Trung Quốc bị chính những người Trung Quốc núp bóng các doanh nghiệp và người bán hàng Việt Nam thiếu lương tâm thao túng. Họ bán hàng Trung Quốc nhưng dán nhãn hàng Việt Nam. Khách mua chỉ cung cấp thông tin, thanh toán, hàng sẽ được chuyển về Trung Quốc. 

Trên thực tế, hàng được sản xuất tại Trung Quốc, dán nhãn mác của Việt Nam. Điều này phương hại về nhiều mặt. Nhưng, nếu chỉ có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay các địa phương thì không thể giải quyết hết vì liên quan đến trách nhiệm của rất nhiều ngành. Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết ngăn chặn các tiêu cực này trong thời gian tới. Với các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, hướng dẫn viên để người núp bóng, tiếp tay cho người nước ngoài tham gia hoạt động nói trên cũng cần các cơ quan thanh tra và các địa phương có giải pháp quyết liệt và mạnh tay hơn nữa xử lý vi phạm.

Người làm du lịch Việt cũng sẽ phải xem xét một cách nghiêm túc, tính toán khai thác như thế nào để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của thị trường du lịch giá rẻ. Khi đưa ra các chủ trương, chính sách, sản phẩm sẽ phải tính tới việc có quản lý được không, có sản phẩm du lịch phù hợp với đối tượng khách hàng đang hướng đến hay không…

N.Nguyễn
.
.
.