Giải pháp hạn chế rủi ro trong xuất khẩu

Chủ Nhật, 22/07/2018, 08:26
Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh kết nối DN Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài, phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài, gồm Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản), Auchan (Pháp)…, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN Việt Nam tham gia các mạng phân phối.


Tháng 12-2016 có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xuất khẩu (XK) vào Mỹ, nhưng tháng 1-2018, con số này chỉ còn 806. Lý do, hơn 1.000 công ty Việt Nam bị rớt khỏi danh sách xuất hàng vào Mỹ do không nắm bắt được các quy định mới tại thị trường này. 

Thực tế, từ trước đến nay, có rất nhiều mặt hàng XK của Việt Nam bị đối tác trả về do không hiểu luật của nước nhập khẩu, hoặc hàng XK của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn ATTP, vi phạm quy định nhãn, bị dính chất cấm...

Liên quan tới việc EC sẽ tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc BVTV với thanh long Việt Nam, thông tin từ Đại Sứ quán Việt Nam tại Bỉ cho hay, trước mắt EC sẽ tham khảo các nước thành viên để đưa ra một số biện pháp tăng cường kiểm tra, bao gồm: 

Yêu cầu Việt Nam xét nghiệm dư lượng thuốc BVTV đối với 100% thanh long XK sang EU, thay vì chỉ 10% như trước đây; Mỗi lô hàng thanh long Việt Nam xuất sang EU đều phải có "Giấy chứng nhận" (do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp) đảm bảo dư lượng tạp chất không vượt mức theo Quy định của EC, kèm theo kết quả xét nghiệm của các phòng xét nghiệm được ủy quyền; Cơ quan ATTP của các nước thành viên EU sẽ phối hợp với hải quan tái kiểm tra 10% lô hàng thanh long tại cảng đến, trước khi cho phép thông quan nếu đạt yêu cầu. 

Trước sự việc trên, tháng 6-2018, Cục BVTV đã có văn bản đề nghị các Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, hướng dẫn các địa phương, người trồng thanh long, thực hiện các nội dung như: Rà soát, hướng dẫn người trồng sử dụng đúng các thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng cho thanh long... Khuyến cáo các chủ thể trong chuỗi sản xuất thanh long thực hiện và duy trì hoạt động truy xuất (lưu trữ thông tin, ghi chép lại các hoạt động đầu vào, đầu ra).
Nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng các mặt hàng xuất khẩu đang được đẩy mạnh.

Tại thị trường Mỹ, từ trước đến nay rất nhiều DN XK của Việt Nam bị trả hàng về hoặc gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra. Điển hình như mặt hàng gạo, đã từng bị đối tác trả về hàng trăm container của 16 DN XK do dư lượng thuốc BVTV vượt quá quy định của FDA. Mặt hàng tôm bị từ chối thông quan do có liên quan đến kháng sinh bị cấm. Nhiều container thanh long bị chặn lại kiểm tra dư lượng thuốc BVTV... và từ đầu năm đến nay, nhiều DN than khó khi XK vào thị trường này do chưa hiểu rõ quy định mới, đó là Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm - FSMA. 

Theo các chuyên gia, thường các quy định mới liên quan đến FSMA sẽ  được FDA kiểm tra qua hồ sơ của nhà nhập khẩu. Trong trường hợp khẩn cấp, FDA đến tận nơi triển khai, và trong 24 giờ DN nhập khẩu phải cung cấp hồ sơ cho họ. Nếu không cung cấp được thì hàng hóa của DN sẽ bị trả về hoặc bị thu hồi tiêu hủy. Vì vậy, các DN XK vào Mỹ cần đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của FSMA. Nếu không thì nguy cơ bị cấm xuất khẩu sang Mỹ là khá cao.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: Trong thời gian qua, hàng hóa của DN Việt chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường thường ép giá bằng những thủ thuật trong kinh doanh của thương lái Trung Quốc, còn các quy chuẩn, điều kiện kỹ thuật... thì gần như thả nổi. 

Tuy nhiên gần đây, phía Trung Quốc yêu cầu trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải truy xuất nguồn gốc. Như vậy là hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không còn dễ dàng như trước nữa. Hay mới đây nhất, EC cũng đã có thông báo kiểm tra đối với mặt hàng trái cây thanh long của Việt Nam XK sang EU... 

Thực tế cho thấy, việc sản xuất hàng hóa để phục vụ xuất khẩu của Việt Nam ngày càng khó. Trong khi đó, thị trường nội địa  thì lại quá dễ dãi  đối với hàng hóa sản xuất trong nước. 

Không ít DN hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường XK khó tính như Mỹ, EU, Nhật... nhưng khi bán hàng tại thị trường nội địa thì hàng hóa gần như chất lượng không đảm bảo, dẫn tới việc người tiêu dùng (NTD) không yên tâm khi mua hàng Việt. 

Vì vậy, liên quan đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần phải có cách làm mới. Thay vào đó là không phải “kêu gọi” NTD nữa, mà làm sao để NTD tự thấy rằng, hàng hóa sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, thì họ sẽ yên tâm mua sắm.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020”. 

Theo đó, Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh kết nối DN Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài, phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài, gồm Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản), Auchan (Pháp)…, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN Việt Nam tham gia các mạng phân phối. 

Với đề án này, DN có thể lựa chọn XK ngay trong nước thông qua hệ thống phân phối ngoại. Giải pháp này vừa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vừa tránh được nguy cơ hàng hóa của DN Việt bị trả về do không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng hoặc các thủ tục hải quan liên quan.

Thúy Hà
.
.
.