“Giải cứu” nông sản bao giờ đến hồi kết?

Thứ Ba, 03/04/2018, 08:10
Mới đầu năm 2018, nhưng thị trường đã chứng kiến hàng loạt cuộc “giải cứu” nông sản dư thừa, phải đổ bỏ, nông dân thua lỗ. Rồi tới đây, thị trường và người tiêu dùng sẽ còn phải tham gia “giải cứu” những gì? Và, một nền sản xuất còn dựa vào những giải pháp mang tính tình thế, “giải cứu” thì liệu có thể phát triển bền vững, cạnh tranh với nông sản “ngoại”?

Liên tiếp cần giải cứu

Chiến dịch “giải cứu” củ cải của nông dân huyện Mê Linh, Hà Nội đến thời điểm này vẫn chưa chấm dứt. Trên địa bàn Hà Nội, vẫn còn nhiều điểm bán củ cải “giải cứu”, như khu vực cổng Công viên Thống Nhất (mặt đường Lê Duẩn), khu vực đường Đào Duy Anh… Trong khi, người dân Hà Nội đang “giải cứu” củ cải giúp nông dân Mê Linh, thì người dân Lạng Sơn cũng đã vào cuộc “giải cứu” khoai tây giúp nông dân Văn Quan, Lạng Sơn.

Theo đó, vụ khoai tây năm nay được mùa, năng suất cao, cộng với diện tích trồng mở rộng đã khiến sản lượng khoai tây tăng vọt, và kéo theo giá xuống thấp. Giá khoai tây thu mua tận ruộng chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg và đáng nói, đây là giá đối với khoai tây loại 1. Còn hơn 1 tháng trước, giá khoai tây vẫn được 8.000-10.000 đồng/kg. 

Theo thông tin từ phía Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích trồng cây vụ Đông Xuân 2017-2018 đạt 400.000ha, trong đó diện tích rau là 190.000ha, vượt 2.000ha so với năm 2016-2017. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt phân tích, có 3 lý do chính khiến rau dư thừa và sụt giá. Thứ nhất, năm nào cũng vậy thời điểm bắt đầu cấy lúa xuân, nông dân sẽ dọn vườn, đối với vùng rau không chuyên canh (2 lúa, 1 vụ đông), nông dân phải giải phóng ruộng để chuyển sang cấy lúa xuân. Và cứ đến thời điểm đó, giá rau năm nào cũng giảm trong giai đoạn ngắn khoảng 15 ngày.

Lý do thứ hai, tranh thủ giá rau đang cao ở thời điểm lứa thứ hai của rau vụ đông, một số nông dân tranh thủ trồng lứa thứ nhất rau vụ xuân từ rất sớm (sớm hơn 1 tháng) để tận dụng bán giá cao. Vì vậy, thời điểm thu hoạch rau vụ xuân lại trùng với thời điểm thu hoạch của rau vụ đông lứa thứ hai nên lượng rau thu hoạch tăng lên vào cùng một thời điểm, chính vì vậy rau tiêu thụ bị dồn ứ.

Nguyên nhân thứ ba là thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, thời tiết ấm nên một số rau nhiệt đới xuân hè (rau dền, muống, mồng tơi…) để thay thế cho các loại rau vụ đông, xuân (su hào, bắp cải, súp lơ, củ cải…) phát triển rất nhanh. Đến đầu tháng 3 đã có sản phẩm trên thị trường nên một số rau vụ đông tiêu thụ chậm lại.

Củ cải dư thừa, giá tụt thê thảm của nông dân Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội.

Sản xuất chưa gắn thị trường

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, một trong những giải pháp cần đẩy mạnh thực hiện để khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” là nông dân cần tham gia vào chuỗi sản xuất, nông dân cùng liên kết lại với nhau thành tổ đội sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã. Việc này giúp nông dân sản xuất chủ động, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ được ký kết trước khi vào vụ. Nếu liên kết sản xuất, nông dân sẽ không rơi vào tình cảnh bấp bênh về giá, sản xuất ra không biết bán cho ai.

“Hiện nay tỷ lệ chế biến rau còn rất thấp, rau củ tươi chủ yếu tiêu thụ nội địa. Bởi vậy áp lực tiêu thụ trong nước rất lớn”. Theo thông tin từ Cục Trồng trọt, dự kiến năm nay sẽ có 8 nhà máy chế biến được xây dựng với công suất từ 1-1,2 triệu tấn, trước mắt tập trung sản phẩm cây ăn quả.

Dự báo, thời gian tới, việc dồn ứ rau củ quả trong một thời điểm cũng sẽ giảm dần. Về lâu dài, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, sẽ rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, đặc biệt là đợt rau gối giữa vụ xuân và vụ hè, có những điều chỉnh, cảnh báo về cung cầu thị trường từ đầu để nông dân tránh được tình trạng xảy ra như thời gian vừa qua.

Còn ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, cần định hướng lại sản xuất, tránh tình trạng dồn ứ sản phẩm cục bộ, liên kết sản xuất với tiêu thụ, thông tin rõ về nhu cầu thị trường để người dân biết và có hướng sản xuất phù hợp. Nhận thức rõ hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định giữa doanh nghiệp với người dân là cần thiết và lâu dài, vào siêu thị phải đúng mẫu mã, chất lượng, tem nhãn nhận diện sản phẩm hướng tới xuất khẩu, khâu bao bì.

Dù một số giải pháp dài hạn để hạn chế tình trạng nông sản dư thừa, phải đổ bỏ đã được Bộ NN&PTNT đưa ra, nhưng những giải pháp này cũng không phải là mới mẻ. Các giải pháp này cũng đã được nêu ra nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện và nông sản vẫn tiếp tục phải “giải cứu”, thậm chí là những cuộc “giải cứu” có tần suất dày hơn. Theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, ngay cả khi Bộ NN&PTNT đã có khuyến cáo tới các địa phương về việc hạn chế mở rộng diện tích gieo trồng thì vẫn khó có thể thay đổi được tình hình. Điển hình của thời gian qua như cà phê, chăn nuôi lợn,…

Thậm chí, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy hoạch thì địa phương vẫn “xé rào” quy hoạch như thường. Một trong những giải pháp tốt nhất theo chuyên gia này, nông dân phải đặt vào vị trí người tiêu dùng để định hướng sản xuất, nắm được cung - cầu thị trường, phát triển đa dạng các loại rau, củ quả thay vì “độc canh”. Đặc biệt, phải thay đổi thói quen sản xuất mất an toàn thực phẩm, tiến tới sản xuất nông sản an toàn, chất lượng.

Diệp Linh
.
.
.