Giá trái cây, thực phẩm leo thang dịp giáp Tết

Thứ Hai, 05/02/2018, 08:11
Giáp Tết Nguyên đán 2018, trái cây trên thị trường Hà Nội bắt đầu tăng giá mạnh, đặc biệt là các loại trái cây thuộc mâm “ngũ quả” để thắp hương dịp Tết như chuối, bưởi, phật thủ… tăng giá theo từng ngày. Dự báo, giá trái cây còn tiếp tục tăng đến ngoài rằm tháng Giêng.


Theo ghi nhận của phóng viên, tăng giá mạnh nhất trong dịp này là chuối xanh. Tại một số chợ  dân sinh như Mai Dịch, Thành Công, Nghĩa Tân…, chuối xanh đang bị làm giá với mức tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước kia. Với những nải chuối to, đẹp để thắp hương thì giá có thể lên tới 200.00-300.000 đồng/nải, trong khi chỉ 1 tháng trước giá chỉ 20.000-30.000 đồng/nải.

Thị trường trái cây bắt đầu leo thang dịp sát Tết Nguyên đán.

Với phật thủ, một quả đẹp để mâm ngũ quả ngày Tết cũng có giá 100.000 đồng. Chị Đặng Hoàng Trang ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Giá các loại trái cây dịp này đều tăng mạnh, nhất là một số loại người dân “chuộng” để bày mâm ngũ quả ngày Tết như phật thủ, chuối, bưởi, cam Canh.

Tôi mua 1 nải chuối giá 210.000 đồng/17 quả, trả giá 200.000 đồng mà người bán nhất định không bán. Trong khi phật thủ, loại đẹp cũng phải có giá 100.000 đồng/quả. Mà hầu hết người bán hàng ngày Tết đều “chảnh” lắm, khách mua nâng lên đặt xuống nhiều cũng bị “nhắc nhở”.

Tương tự, giá cam Canh tại các chợ cũng đang tăng chóng mặt. Trong khi ở tháng 1, giá cam Canh bán tại các chợ chỉ vào khoảng 30.000-40.000 đồng/kg loại đẹp thì nay đã tăng lên ở mức 60.000-70.000 đồng/kg. Theo dự báo của các tiểu thương, giá trái cây sẽ còn tiếp tục tăng và đứng ở mức cao đến ngoài rằm tháng Giêng.

Đối với mặt hàng chuối xanh có mức tăng giá mạnh, theo các tiểu thương là do tăng giá từ gốc. Tại thủ phủ chuối Hà Nam, giá người dân trồng chuối bán ra đã ở mức 100.000 đồng/kg. Lý giải của người trồng chuối cho hay, do năm nay, thời tiết khá thất thường, mùa đông nhưng mưa nhiều, cộng với giá rét sớm khiến chuối khó phát triển.

Bên cạnh đó, một số loại trái cây cũng tăng giá ăn theo dịp Tết Nguyên đán như táo xanh to có giá 45.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với trước đây; xoài ngọt 60.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; vú sữa 70.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Không những trái cây, mà một số loại hoa cũng đã bắt đầu tăng, như: hoa cúc có giá 6.000 đồng/bông, hoa hồng 6.000 đồng/bông, tăng khoảng 1.000 đồng/bông so với tháng trước đó.

Không chỉ trái cây, hoa tươi tăng giá theo đà cuối năm, mà thực phẩm cũng đã bắt đầu tăng, từ giá thịt lợn, thủy hải sản đến giò chả. Tại các chợ dân sinh, giá thịt ba chỉ ngon đã ở mức 85.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tăng, có thể ở mức 100.000 đồng/kg; sườn ở mức 100.000 đồng/kg, và dự báo có thể lên mức 110.000 đồng/kg…

Thịt bò cũng đã ở mức 240.000-260.000 đồng/kg. Giá gà lông cũng đã tăng ở mức 110.000 đồng/kg, trong khi tháng trước chỉ ở mức 90.000-100.000 đồng/kg gà ngon. Các loại thủy hải sản đứng giá ở mức cao do thời tiết lạnh, việc đánh bắt, khai thác bị ảnh hưởng.

Chị Nguyễn Ngọc Hoa, ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, bày tỏ: “Giá thực phẩm bắt đầu tăng rồi. Cách đây 2 ngày, tôi mua giò giá 80.000 đồng/kg, sáng nay (4-2) đã phải mua với giá 90.000 đồng/kg, và được lý giải là giò ngày Tết và chắc chắn giá sẽ còn tăng trong thời gian tới. Thịt lợn cũng tăng nhẹ với một số loại như ba chỉ, sườn, chân giò”.

Với mặt hàng rau xanh, dù đang là chính vụ rau đông nhưng giá rau những ngày qua cũng đã tăng mạnh. Theo lý giải của các tiểu thương, do thời tiết giá rét kéo dài, kèm theo sương muối nên rau khó phát triển. Theo đó, giá cải rúc, rau cần, rau cải mơ ở mức 7.000 đồng/bó, cà chua 20.000 đồng/kg, su hào 8.000 đồng/củ to.

Các chuyên gia thị trường cho rằng, đã thành thông lệ, dịp Tết Nguyên đán và ngoài Giêng, giá các loại thực phẩm tươi sống từ trái cây, rau củ đến thịt, cá đều tăng giá, cá biệt có một số mặt hàng tăng giá mạnh như trái cây, rau xanh. Và giá cả thực phẩm sẽ còn tăng từ nay đến chính Tết Nguyên đán. Mặc dù Hà Nội cũng triển khai nhiều điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết nhưng không đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng.

Diệp Linh
.
.
.