Giá cá tra bất ngờ “lao dốc”

Thứ Sáu, 15/03/2019, 23:14
Cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm giá khoảng nửa tháng qua, từ 29.000 đồng/kg hiện chỉ còn từ 24.000-25.000 đồng/kg.

Ông Lê Thành Thức, Phó trưởng Phòng Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản - Chi cục Thuỷ sản tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Giá cá hiện sụt xuống chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 23.000 đồng/kg. Với giá này, hộ nông dân nuôi sẽ không có lời, còn công ty nuôi thì lỗ vì phải tốn thêm chi phí nhân công”.

Nguyên nhân giá giảm do trong quý 2-2019, các doanh nghiệp (DN) chưa có hợp đồng xuất khẩu mới nên họ chậm thu mua trong dân.

Ông Trịnh Văn Lâm (ngụ thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), than: “Tôi không hiểu vì sao cá tra liên tục rớt giá. Vào những tháng giữa năm 2018, giá cá tra cao kỷ lục, đạt 36.000 đồng/kg. Sau Tết Nguyên đán 2019, giá cá còn ở mức 29.000 đồng/kg, sau đó tụt xuống 27.000 đồng/kg và hiện nay chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg. Tôi vừa bán 2 ao cá tra cho một công ty với giá 25.500 đồng/kg, dù giá giảm nhưng vẫn phải bán vì để trong ao tốn thêm tiền thức ăn”.

TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, năm 2018, trước cảnh giá cá tra tăng vọt làm nhiều công ty, hộ nuôi thả cá với diện tích lớn. “Tôi chưa có thống kê chính thức diện tích nuôi nhưng là rất lớn, có nhiều dự án lên tới vài trăm hécta. Tại tỉnh Long An, có nơi nuôi lên đến 1.000ha. Những vùng nuôi trước đây tại Sóc Trăng, nông dân bỏ hoang thì nay đã nuôi trở lại. Trong năm 2019, nếu thị trường tiêu thụ không hết sản lượng cá tra thì giá cá sẽ giảm. Những người có lợi nhuận trước đây thì tích luỹ được, còn những người nuôi sau, người mới bắt đầu trào lưu phải trả giá”, TS Võ Hùng Dũng khuyến cáo.

Theo ông Phan Hoàng Duy, Phó Giám đốc Công ty CP XNK thuỷ sản Cần Thơ (Caseamex), thị trường tiêu thụ lớn nhất cá tra Việt Nam là Mỹ giảm nhập khẩu nên giá cá trong nước tụt xuống.

“Vào cuối năm 2018, cá tra của Việt Nam xuất khẩu (XK) qua Mỹ số lượng lớn nên họ đang tồn hàng, hiện việc nhập khẩu cá tra có chậm lại. Tuy nhiên, dự báo giá cá nguyên liệu tăng trở lại khi thị trường Mỹ tăng cường nhập khẩu trở lại”, ông Duy nói. Nhiều nông dân truyền tai nhau, nguyên nhân giá cá giảm do phía Trung Quốc ngưng “ăn hàng”, nhưng ông Duy phân tích rằng nhu cầu nhập khẩu cá tra ở thị trường này đang tăng sau Tết Nguyên đán.

“Tại một số tỉnh ở Trung Quốc đã nuôi được cá tra, nếu họ nhân rộng vùng nuôi thì sẽ cạnh tranh với ngành cá tra của Việt Nam. Công ty không xem Trung Quốc là thị trường chính trong XK, mà chỉ là thị trường thứ cấp. Khi nào được giá thì xuất bán, phía họ ngưng ăn hàng thì bán sang thị trường khác. Điều quan trọng, cần phải chú trọng chất lượng cá tra ổn định để dễ dàng XK sang nhiều thị trường khó tính”, Phó Giám đốc Caseamex phân tích.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, giá trị XK cá tra lần đầu tiên đạt mức 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2017. Đây là năm thuận lợi của cá tra với kim ngạch XK tăng trưởng ấn tượng ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU… Giá nguyên liệu tăng, giá xuất khẩu tăng mạnh. Tại 3 thị trường XK lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc - Hồng Kông và EU có những thuận lợi, thúc đẩy hoạt động XK của DN gia tăng.

TS Võ Hùng Dũng đánh giá, năm 2019, thị trường Trung Quốc vẫn là một ẩn số khi dịch chuyển từ XK tiểu ngạch sang XK chính ngạch. Đây là một cú sốc cho những DN Việt Nam trước nay chỉ XK đường tiểu ngạch. Vì việc kiểm tra chất lượng có phần dễ dãi nhưng XK chính ngạch thì nghiêm ngặt hơn. DN Trung Quốc cần thiết thì mua cá giá rất cao, đến một lúc nào đó, họ phối hợp áp giá rất thấp hoặc thị trường ngưng trệ thì lúc đó DN Việt Nam gặp khó.

Năm 2019, với mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2,3 tỷ USD, VASEP đề nghị DN tăng cường mối liên kết tốt với người nuôi để chủ động hơn về nguồn cung nguyên liệu. Chú trọng sản phẩm tốt chất lượng cao, giá bán cao hơn là tăng sản lượng xuất khẩu.

Như Anh
.
.
.