EVFTA: Cơ hội cho nhiều ngành hàng gia tăng xuất khẩu vào EU
- Tận dụng ưu đãi thuế, gia tăng xuất khẩu từ Hiệp định RCEP
- Hy vọng tăng xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga
- Cơ hội tăng xuất khẩu thủy sản sang Australia
Nhờ hiệp định này, nhiều ngành hàng xuất khẩu (XK) tỷ USD sẽ có cơ hội gia tăng bứt phá tại thị trường các nước EU.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.
Đồng thời, kim ngạch NK từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn XK, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Bộ Công Thương cho rằng, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng XK của Việt Nam.
Với cam kết xóa bỏ thuế NK lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng XK cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ,… là rất đáng kể.
Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD sẽ có cơ hội gia tăng bứt phá tại thị trường các nước EU. |
Về EVFTA, TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nhận định, với những cam kết sâu rộng về mở cửa thị trường cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư..., EVFTA sẽ tác động hầu khắp các ngành/lĩnh vực trong nền kinh tế của Việt Nam.
EU là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng XK từ Việt Nam. Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng NK từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Trong 7 năm từ ngày hiệp định có hiệu lực, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam. Việc EVFTA chính thức thực thi được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đưa kim ngạch XNK của Việt Nam và EU tăng trưởng nhanh so với hiện nay.
Theo đó, các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA gồm: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Trong đó, XK tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác.
Trong khi đó, NK dự kiến cũng sẽ tăng ở hầu hết các ngành. Đặc biệt, những ngành mà chúng ta sẽ chịu lép vế có thể kể đến là: Cơ khí, chế tạo; nông sản (một số sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, chăn nuôi,…); thủy sản và một số lĩnh vực trong ngành dịch vụ (hậu cần thương mại, bán lẻ,…).
PGS.TS Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, cơ hội mở ra, đặc biệt là khả năng thúc đẩy XK hàng hoá vào EU nhờ Hiệp định EVFTA là điều hiển nhiên, song cũng cần lưu ý rằng, những cam kết thương mại trong EVFTA rất cao. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh thể chế kinh tế cho phù hợp và tuân thủ đúng với những cam kết.
Đặc biệt, chúng ta phải lưu ý tới hàng rào kỹ thuật. Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU rất cao, đặc biệt đối với những hàng điện máy, điện tử, thủy hải sản. Lâu nay, Việt Nam vẫn đang phải tìm mọi cách để EU gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản cũng như những quy định về dư lượng hóa chất.
TS. Lê Huy Khôi cũng cho rằng, giải pháp quan trọng còn là tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường (xu hướng cung cầu và giá cả,…); xu hướng áp dụng các rào cản kỹ thuật (về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, lao động và công đoàn,…) trong thương mại từ các nước EU để có thể đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất hàng XK (đặc biệt là hàng nông, thủy sản) của Việt Nam. Điều này giúp các DN XK chuẩn bị sẵn sàng vượt qua được các rào cản kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, trọng tâm Bộ Công Thương đặt ra là phối hợp cùng cộng đồng DN, người dân, các bên liên quan… nỗ lực sớm đưa Hiệp định EVFTA vào thực thi.
Chính phủ Việt Nam và EU cũng như các đối tác của EU sẽ có chương trình cụ thể để không chỉ tổ chức giám sát, triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA một cách đầy đủ, kịp thời mà còn tiếp tục tăng cường năng lực, thể chế cũng như cơ hội, tạo nên tương tác ngày càng thuận lợi hơn giữa đôi bên.