Du lịch trực tuyến Việt Nam trước nguy cơ “thua trên sân nhà”

Thứ Sáu, 21/06/2019, 09:24
Trong năm 2018, Việt Nam đón hơn 15,5 triệu lượt khách quốc tế nhưng chỉ có khoảng 30% số khách này đến Việt Nam theo các tour, tuyến do các đơn vị lữ hành thực hiện theo phương thức truyền thống.

Phần lớn số khách còn lại đến Việt Nam theo phương thức tự túc, tự tìm kiếm thông tin điểm đến, tự thiết kế chuyến đi, tự đặt dịch vụ lưu trú… Hầu hết các hoạt động này đều được giao dịch online, thông qua các kênh du lịch trực tuyến. Đó là thông tin được ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ ngày 19-6.  

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, du lịch là ngành có khả năng tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất, nổi bật nhất là hoạt động du lịch trực tuyến.

Nếu 10 năm trước, với người Việt, chiếc điện thoại di động vẫn chưa phổ biến và nhiều tiện ích như hiện nay, thì người làm du lịch đã tiếp cận các ứng dụng công nghệ để phục vụ công việc của mình.

Du lịch trực tuyến đang là xu thế phát triển tất yếu không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới.

Đến nay, người làm du lịch vẫn là một trong những lực lượng ứng dụng công nghệ nhanh, nhiều nhất. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đã xây dựng được các phần mềm thông minh hỗ trợ cho kinh doanh và quản lý du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã ứng dụng thành công các công cụ trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch.

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số thương mại điện tử năm 2019 cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 cao hơn 30% và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới, có quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Theo Google và Temasek thì quy mô Du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.

Tầng lớp khách lẻ (free and independent traveler – FIT) tăng mạnh cả trong inbound (đón khách vào Việt Nam) và outbound (đưa khách từ Việt Nam ra nước ngoài), tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho du lịch. Tuy nhiên, quy mô thị trường du lịch của Việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á nên còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác.

Ông Tuấn Hà, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam chia sẻ: Để phát triển du lịch, nhiều năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật: Luật Du lịch, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020, Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng tới 2030,  Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng tới 2030. Nhưng, hầu hết các chính sách, văn bản này đều ít quan tâm hoặc chưa quan tâm tới việc khuyến khích du lịch trực tuyến.

Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình cho rằng, du lịch trực tuyến được xác định là xu hướng phát triển tất yếu của du lịch Việt Nam, nhưng lại là lĩnh vực đang còn tồn tại rất nhiều vấn đề, có nguy cơ “thua trên sân nhà”.

Nhiều doanh nghiệp lớn từng tiếp cận sớm với du lịch trực tuyến đến nay đã chậm thích ứng trong khi công nghệ thì thay đổi hàng ngày. Các đơn vị nhỏ lẻ có những mô hình hoạt động linh hoạt bước đầu có hiệu quả nhưng so với những “ông lớn” như Agoda đang có hàng triệu booking/ngày thì chắc chắn phải chịu nhiều thua thiệt.

Quản lý du lịch trực tuyến như thế nào để chống thất thu thuế cho nhà nước khi ngày càng nhiều hoạt động vượt ra ngoài lãnh thổ cũng là bài toán cần tính toán cẩn trọng, lâu dài.

Để góp phần tháo gỡ các nút thắt của du lịch trực tuyến Việt Nam, ngày 26-6, tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẽ phối hợp và đồng chủ trì cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Ngày du lịch trực tuyến 2019.

Dự kiến, ngày hội có sự tham gia trên 600 đại biểu trong và ngoài nước, trên 20 diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và công nghệ trong và ngoài nước… Sự kiện được kỳ vọng sẽ tìm ra nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch trực tuyến phát triển hơn.

Ngọc Nguyễn
.
.
.