Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao nhất trong 10 năm

Thứ Bảy, 22/12/2018, 08:45
Đây là dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) cũng như các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018, được tổ chức sáng 20-12.

Năm 2019, kinh tế Việt Nam cũng được dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 7%, nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế.

Theo ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch UBGSTCQG, năm 2018, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thương mại tăng trưởng chậm hơn dự báo chủ yếu do căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng tiếp tục kéo dài. Lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao hơn năm 2017 do giá dầu bình quân tăng trên 30%.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,9% - 7%. “Đây là mức cao nhất 10 năm trở lại đây nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ”, báo cáo của UBGSTCQG đánh giá.

Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo tiến độ do thu NSNN đạt khá trong khi chi NSNN được kiểm soát, cơ cấu thu – chi cải thiện tích cực, nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây.

Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4% (năm 2017 là 62,6%; năm 2016 là 63,6%) do tăng trưởng kinh tế khả quan. Nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng từ 48,9% năm 2017 lên 49,7% năm, chủ yếu do nợ tự vay tự trả của khu vực doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng mạnh.

Bên cạnh đó, nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn. Cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn. Ngoài ra, trong năm 2018, ngành ngân hàng có sự tăng trưởng tốt về mọi mặt như tổng tài sản của toàn hệ thống đạt 14 triệu tỷ đồng, thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020. “Mặc dù xu hướng rút vốn tại các nền kinh tế mới nổi, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam, thể hiện niềm tin vào ổn định vĩ mô”, UBGSTC cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam cũng cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2007. Động lực tăng trưởng đến từ hai khu vực chính là công nghiệp chế biến và dịch vụ.

"Nếu như năm 2017, Việt Nam phụ thuộc vào điện thoại và thiết bị điện tử với tốc độ tăng trưởng 20-30% thì nhóm ngành này chỉ tăng khoảng 11% trong 11 tháng năm 2018. Động lực cho sự tăng trưởng thay vào đó lại đến từ những ngành hưởng lợi từ chính sách để thay thế hàng nhập khẩu, như sản xuất ôtô và dược phẩm", ông Thành nói.

Dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2019, UBGSTC cho rằng kinh tế Việt Nam ít nhiều chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, nếu tiếp tục cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế... kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%.

“Kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế” - ông Đặng Ngọc Tú - Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát khuyến cáo.

B.K.
.
.
.