Dòng vốn đầu tư FDI bắt đầu dịch chuyển vào Việt Nam

Thứ Ba, 20/08/2019, 08:14
Với những Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mới Việt Nam vừa ký kết và bắt đầu có hiệu lực đã tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.


Theo đó, dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn chất lượng cao đã bắt đầu dịch chuyển về Việt Nam. Điều đó cho thấy, các Hiệp định FTAs thế hệ mới đang tạo ra động lực mới cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo nhận định của Bộ KH&ĐT, các FTAs đàm phán thành công sẽ đem lại lợi ích cho thu hút FDI không chỉ ở các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có. Đặc biệt, các FTAs này cũng đã và đang tạo ra sức hút mới cho FDI vào Việt Nam. 

Theo đó, với các FTAs vừa được ký kết với EU thì không chỉ có dòng vốn đầu tư có chất lượng từ EU sẽ gia tăng vào Việt Nam mà dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung từ các quốc gia khác cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. 

Trong 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký rót vốn 20,22 tỷ USD vào Việt Nam. Vốn FDI rót nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 14,46 tỷ USD, lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 1,47 tỷ USD và thứ ba là bán buôn bán lẻ và sửa chữa ôtô, xe máy đạt 1,09 tỷ USD.

Ông Stefano Pelegrino, thành viên tiểu ban pháp luật Eurocham cho hay, EVFTA vừa được ký kết cũng như các FTA song phương khác mà Việt Nam đã kí kết với các các quốc gia châu Âu trước đây sẽ làm gia tăng thêm nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam. 

Điều này sẽ đem lại nhiều lợi thế cho các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, xử lý nước và chất thải, các lĩnh vực mà công nghệ châu Âu có uy tín cao. Trong năm 2019, hoạt động đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ tăng nhanh do nhiều nhà đầu tư tìm cách vào thị trường Việt Nam để có thể tận dụng toàn bộ các lợi ích của các FTA sắp có hiệu lực.

Thực tế đã cho thấy từ đầu năm tới nay đã có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp cam kết “đổ vốn” vào các lĩnh vực của Việt Nam như công nghiệp, du lịch… 

Điển hình như ở Đồng Nai, gần đây Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) đã đầu tư nhà máy 100 triệu USD, công suất hơn 27 triệu đôi giày/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2020; tại Vĩnh Long, Công ty Bách Tỷ (thuộc Tập đoàn Lai Yih Footwear - Đài Loan) đã đầu tư một dự án sản xuất giày dép với tổng vốn khoảng 70 triệu USD. 

Hay trong lĩnh vực du lịch, vào đầu tháng 7-2019, Tập đoàn Centara Hotels & Resorts (Thái Lan) đã thông báo kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam, với mục tiêu mở ít nhất 20 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới trên khắp Việt Nam vào năm 2024.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các FTAs mới đã và đang tạo ra lực hút cho các nhà đầu tư vào cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam. Với lực hút đầu tư từ các FTAs, Việt Nam đang có nhiều nhà máy sợi rất hiện đại. Hàng loạt DN lớn từ châu Âu và Mỹ đã đầu tư dự án kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt, hay các dự án dệt ở Bình Định, Nam Định...

Ngoài ra còn có rất nhiều nhà đầu tư từ Nga, Trung Đông đã đến Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm với các dự án lên tới hàng trăm triệu USD. Điều này cho thấy, lực hút từ các FTA rất tốt.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, EVFTA và CPTPP đang tạo ra động lực làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài về Việt Nam. Bởi, trên thực tế cũng đã có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài từ một số nước khu vực sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á, điển hình là từ Trung Quốc.

Để tận dụng được lợi thế từ các dòng vốn đầu tư FDI và duy trì Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về đầu tư, ông Toàn cho rằng, cần cải cách thể chế, thay đổi về tư duy quản lý hành chính, đơn giản thủ tục, nâng cao năng lực đạo đức cán bộ công chức, đề cao quản trị minh bạch, cắt giảm chi phí không chính thức cũng như các quy định về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... 

Ngoài ra, phải tăng cường đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, và các nhà đầu tư có thể sử dụng lao động tại chỗ và Việt Nam cũng có một nguồn lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó cần phát triển các doanh nghiệp tập đoàn lớn đủ sức bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài.

Lưu Hiệp
.
.
.