Doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn từ một quyết định

Thứ Hai, 15/10/2018, 11:55
Theo chia sẻ của các DN trong ngành thực phẩm, thì việc các DN trong nước nhập khẩu lúa mì để sản xuất, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu đã được các DN thực hiện từ vài chục năm nay. Bên cạnh đó, việc lúa mì nhập khẩu có lẫn cỏ dại Cirsium Arvense cũng đã có từ trước đến giờ, nhưng chưa có cơ quan nào cảnh báo về những tác hại...

Sau khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) nhập khẩu lúa mì lên tiếng bức xúc vì bị thiệt hại nặng nề do quyết định của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN &PTNT) cấm nhập khẩu lúa mì có lẫn cỏ dại Cirsium Arvense kể từ ngày 01-11-2018, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Qua rà soát 3 Sở: Công thương, Y tế, NN&PTNT thì không thấy có quyết định “cấm” này. Các tài liệu mà chúng tôi nắm được hiện giờ chỉ là Công văn số 95 và số 99 của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 và vùng 2 ký ngày 5-9 đều ghi: Thực hiện sự chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, bắt đầu từ ngày 1-11 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (cụ thể là lúa mì) bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense sẽ bị tạm ngừng nhập khẩu và áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất. Đứng về mặt văn bản như vậy là không hợp pháp, phải căn cứ văn bản nào của Cục chứ không thể nói miệng”.

Tuy nhiên, hiện các văn bản chỉ đạo miệng này khiến các DN điêu đứng vì nhiều lô hàng đang trên đường vận chuyển về cảng, một số DN khác thì có nguy cơ bị đền hợp đồng, đóng cửa nhà máy...

Bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Công ty Bột quốc tế Intermix bức xúc: “Hiện, công ty chúng tôi có một chuyến hàng trị giá trên 300 tỷ đồng đang trên đường về, cuối tháng 10 cập cảng. Với quyết định “cấm nhập” áp dụng từ ngày 1/11 của Cục Bảo vệ thực vật, thì lô hàng của chúng tôi biết giải quyết làm sao trong khi mùa Tết đã cận kề, không có hàng để sản xuất, công nhân thất nghiệp, thiệt hại của DN rất lớn”.

Ông Trần Vũ Khánh – Giám đốc công ty Hiệp Quang cho rằng, các DN nhập khẩu lúa mì 70-80%. Mỗi chuyến tàu như vậy khoảng 30.000-50.000 tấn, trị giá khoảng 20 triệu USD. Với “lệnh cấm” đưa ra sau ngày 1-11, thì con số thiệt hại của DN là khổng lồ. Trong khi đó, DN hiện nay đang cạnh tranh trầy trật mới kiếm được khách hàng, thì với chi phí “đội” lên như vậy không thể cạnh tranh nổi.

Theo chia sẻ của các DN trong ngành thực phẩm, thì việc các DN trong nước nhập khẩu lúa mì để sản xuất, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu đã được các DN thực hiện từ vài chục năm nay. Bên cạnh đó, việc lúa mì nhập khẩu có lẫn cỏ dại Cirsium Arvense cũng đã có từ trước đến giờ, nhưng chưa có cơ quan nào cảnh báo về những tác hại. Nay, đùng một cái Cục Bảo vệ thực vật có lệnh dừng nhập khẩu và tái xuất.

Nếu cấm nhập lúa mì trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất bánh kẹo.

Quyết định trên không chỉ khiến DN nhập khẩu lúa mì điêu đứng, mà các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ... cũng “vào cuộc” để phân tích, đánh giá, loại cỏ này có độc hại gì cho người sử dụng hay ảnh hưởng môi trường nông nghiệp?

Theo lý giải của đại diện Cục Bảo vệ thực vật, trong thời gian qua có nhiều lô hàng lúa mì nhập khẩu bị phát hiện có lẫn hạt cỏ Cirsium Arvense. Loại cỏ này rất dễ mọc, nguy cơ phát tán nhanh và rất khó diệt. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật làm công tác kiểm dịch để không có loại cây này mọc, chứ nếu để mọc thì kiểm dịch không còn tác dụng.

Cục Bảo vệ thực vật không cấm DN nhập khẩu lúa mì mà chỉ cấm lúa mì nhập khẩu có lẫn cỏ Cirsium Arvense. Vì vậy, các DN có thể tìm kiếm các nguồn cung cấp lúa mì từ các quốc gia không có loại cỏ này, hoặc DN yêu cầu nhà cung cấp phải xử lý, tách hạt cỏ ra khỏi lúa mì.

Tuy nhiên, các DN cho rằng, tập quán của nhiều nước xuất khẩu lúa mì là thu hoạch bằng máy, chuyển vào kho, ra cảng mà không qua công đoạn vào nhà máy để sàng lọc như đối với lúa gạo Việt Nam nên còn lẫn cỏ. Khi DN nhập khẩu về sẽ đưa vào nhà máy có khâu xử lý nguyên liệu, những hạt cỏ này bị loại ra hết và đem tiêu hủy ở nhiệt độ cao nên không thể phát tán.

Ông Phan Thông Cường – Công ty Việt Nam kỹ nghệ bột mỳ khẳng định: “Hạt cỏ này mọc chung với lúa mì, mà lúa mì thì chỉ trồng được ở xứ lạnh, còn Việt Nam khí hậu nhiệt đới trồng lúa mì không ra hạt, nên cỏ này chưa chắc đã mọc và thành hạt. Hơn nữa, việc nhập lúa mì từ Nga, Canada... của DN cũng đã có từ mấy chục năm nay. Nếu hạt cỏ có rơi vãi phát tán thì cũng đã mọc từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ. 

Việc cấm nhập khẩu lúa mì không những ảnh hưởng ngành sản xuất bột mì mà còn tác động dây chuyền đến nhiều ngành khác như: sản xuất mì ăn liền, bánh kẹo, sữa, thức ăn nhanh, thức ăn thủy sản, thức ăn gia súc... TS Trần Duy Khanh, chuyên gia phản biện chính sách, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo doanh nhân APEC, nêu quan điểm "không quản được thì cấm" cho thấy năng lực quản lý còn yếu kém.

Theo TS Khanh, Việt Nam không sản xuất được lúa mì nên phải nhập khẩu. Hiện 25% lượng nhập khẩu dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, còn lại dùng trong chế biến thực phẩm. TS Khanh kiến nghị, chỉ nên cấm nhập lúa mì lẫn cỏ đối với những lô hàng nhập về làm giống, không cấm đối với sản phẩm nhập về chế biến.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, các nước lân cận chúng ta như Thái Lan, Indonesia, Myanmar… cũng đang nhập lúa mì từ các thị trường mà DN Việt Nam nhập, nhưng Chính phủ họ không có quy định cấm nhập lúa mì có lẫn cỏ. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho DN, Hội sẽ tập hợp các ý kiến của DN, của nhà khoa học, chuyên gia kinh tế... về vấn đề trên, làm cơ sở đề xuất Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.

Thúy Hà
.
.
.