Dệt may tăng trưởng cao nhất trong 5 năm
- Mỹ nhập hơn 3 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam
- Dệt may cần sự liên kết để giữ vững phát triển
- Dệt may Việt Nam là thương nhân hay “người dắt lạc đà”?
Trong 2 quý đầu năm 2018, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 6,4 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng thời một năm trước đó và chiếm 46,9% tổng trị giá XK hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường EU đạt trị giá 1,89 tỷ USD, tăng 12,2%, thị trường Nhật Bản đạt trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 23,9% so với một năm trước đó; thị trường Hàn Quốc đạt trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 25,4%...
Điều đó cho thấy, những thị trường XK trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… đều tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017.
Nếu DN không nỗ lực tận dụng được thì các FTA sẽ trở nên vô nghĩa. |
Tại Hội thảo Hiệp định CPTPP và EVFTA: Những tác động đối với ngành Dệt may Việt Nam mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK dệt may ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017.
Ở góc độ mặt hàng, có 3 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD là áo thun, quần và áo jacket. Các mặt hàng có giá trị XK tương đối cao, từ 700 triệu USD trở lên gồm có: Váy, quần áo trẻ em, vải, quần sooc…
Đáng chú ý, tình hình đơn hàng của các DN XK cũng khá khả quan. Nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến hết năm. Một số DN đạt kết quả XK điển hình là: Công ty TNHH May Tinh Lợi, Tổng Công ty CP may Việt Tiến, Công ty TNHH Worldon (Việt Nam)…
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2018, ngành dệt may dự báo phải đối mặt với một số khó khăn như: Chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước; tình hình nguyên phụ liệu biến động khi giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam...
Tuy nhiên, ngành Dệt may cũng có một số thuận lợi. Cụ thể, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 8-3-2018 và dự kiến bắt đầu có hiệu lực trong năm 2019, đặt ra kỳ vọng thúc đẩy XK vào 6 nước NK dệt may trong CPTPP (trong năm 2017, XK dệt may của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt trên 950 triệu USD).
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, dệt may nói riêng đang trong bối cảnh đặc biệt. Cơ hội gần nhất là CPTPP đã ký kết. FTA Việt Nam-EU (EVFTA) có thể ký kết cuối năm nay.
Tất cả mở thêm cơ hội thuận lợi về thị trường cho XK dệt may. Tuy nhiên, nếu không thể đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ thì DN không tận dụng được cơ hội, các FTA sẽ trở nên vô nghĩa.
“Chính phủ nỗ lực đàm phán các FTA song lợi ích lại là của DN. Nếu DN không nỗ lực tận dụng được thì các FTA sẽ trở nên vô nghĩa”, ông Hải nói.
Để XK dệt may tăng trưởng bền vững, theo ông Hải, vấn đề cần giải quyết còn là câu chuyện logistics. Dệt may có khối lượng và giá trị XK đều lớn. Khối lượng lớn thì tác động của chi phí logistics càng lớn.
DN cũng nên chú ý hơn tới vấn đề này để cắt giảm chi phí. Ví dụ, hiện nay các lô hàng vận chuyển sang EU 100% đi bằng đường biển, chỉ một ít lô hàng đi bằng đường hàng không. Tuy nhiên, đã có đường sắt đi sang Nga, Belarus…, sau đó đi sang EU với chi phí thấp hơn.