Đặc sản Miền Tây tất bật vào vụ Tết

Thứ Bảy, 28/12/2019, 08:58
Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất các loại đặc sản ở miền Tây như: khô, nem chả, bánh tráng… đã tất bật sản xuất cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán 2020.

Năm nào cũng vậy, gần Tết Nguyên đán là làng nghề bánh tráng tại cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) luôn tấp nập đơn đặt hàng từ khắp nơi. Bánh tráng cù lao Mây làm thủ công từ nguyên liệu thiên nhiên như: sữa, dừa, đường, mè… có mùi thơm đặc trưng nên khách rất ưa chuộng. Nơi đây sản xuất nhiều loại như: bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt…

Ông Lương Văn Thông, Giám đốc HTX Bánh tráng cù lao Mây cho biết: “Làng nghề có khoảng 100 hộ sản xuất bánh tráng. Năm nay thời tiết nắng tốt nên thuận lợi cho việc phơi bánh. Trong dịp Tết, đơn đặt hàng tăng hơn 20% so với ngày thường”. Năm nay giá cả nguyên liệu đầu vào ổn định nên giá bán bánh không tăng so với mọi năm, bình quân giá bán từ 35.000-150.000 đồng/chục bánh (tùy loại).

Làng nghề làm cốm gạo đã có từ lâu đời ở phường Tân Thành, (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Thời gian này, nhà ai cũng đỏ lửa để tất bật nổ cốm, ngào cốm. Nghề này giúp giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ nông nhàn trong tổ làm cốm của địa phương. Thời điểm cận Tết, nhu cầu mua cốm tăng mạnh, đầu ra ổn định nên nhiều gia đình luôn làm tất bật để đủ hàng bán ra thị trường.

Người dân phơi cá sặc chờ bán Tết.

Bà Trần Thị Nâu (63 tuổi, ngụ khóm 5, phường Tân Thành), chia sẻ: “Mỗi ngày tôi bán được trên dưới 30kg cốm gạo ngào thành phẩm với giá 50.000 đồng/kg. Sang tháng Chạp, cốm bán rất chạy, lên đến 100 kg/ngày. Tôi thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng từ việc bán cốm để có tiền sắm sửa trong nhà dịp Tết”.

Dù nguyên liệu đầu vào có tăng nhưng hộ bà Nâu cũng như nhiều hộ sản xuất khác vẫn giữ nguyên mức giá bán để giữ mối. Theo ông Lưu Minh Sơn (chủ một vựa khô tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), nguồn khô phục vụ dịp Tết Canh Tý năm 2020 có thể hút hàng do nguồn cung hạn hẹp.

Hiện, giá cá khô dao động từ 80.000 – 120.000 đồng/kg (tùy loại). Các mặt hàng khô được thị trường ưa chuộng như: cá mối, cá trích, cá lù đù, cá sặc… Riêng, khô cá khoai tùy theo kích thước, có giá dao động từ 350.000 - 450.000 đồng/kg.

Theo lời ông Sơn, các loại khô mặn được xem là chủ lực của cơ sở, tuy nhiên thị trường khô dịp Tết người tiêu dùng lại chuộng khô ngọt. Bà Sử Thủy Tiên (ngụ xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), chủ cơ sở mắm cá sơn Thủy Tiên, cho hay: “Mắm cá sơn có vị chua nhẹ, thịt và xương mắm rất mềm nên được nhiều người ưa chuộng. Mỗi năm, cơ sở của tôi bán được khoảng 3 tấn mắm. Nhưng thời điểm cận Tết, mắm bán chạy nhất do nhu cầu người tiêu dùng tăng cao để biếu, tặng hoặc mua về dùng”. Tương tự, không khí sản xuất tại các làng nghề khô, mắm ở An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh cũng tất bật vào vụ Tết, cung cấp cho bạn hàng.

Chị Lê Thị Thanh Trúc, một chủ cơ sở bán đặc sản khô ở phường Xuân Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho rằng, hiện các loại khô đặc sản như: khô rắn với giá 400.000 đồng/kg, khô nhái (từ 430.000-480.000 đồng/kg nhưng vào dịp cận Tết sẽ còn tăng và hút hàng do nhu cầu biếu, tặng nhiều. Những ngày này, các cơ sở sản xuất nem Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp tăng công suất.

Bà Nguyễn Thị Ngân - chủ cơ sở nem ở xã Long Hậu cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng từ 4.000 – 5.000 chiếc nem. Năm nay, do dịch tả lợn Châu Phi nên nguồn cung thiếu, từ đó các sản phẩm từ thịt lợn cũng có giá đắt hơn.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty Chả hoa Năm Thụy (Trà Vinh) cho biết: “Thịt lợn năm nay đắt nên dự báo các sản phẩm như chả hoa, chả thủ (chỉ dùng tai lợn), pa-tê giò, thịt vò viên, chả giò, nem hộp… có giá bán sẽ tăng”. Một đặc sản ở Trà Vinh không thể không nhắc đến là tôm khô Vĩnh Kim, nổi tiếng hàng chục năm nay. Để chế biến ra loại tôm khô nổi tiếng này, chủ các cơ sở sản xuất sẽ thu mua tôm đất, tôm thẻ tự nhiên, có giá bán từ 1.300.000 - 1.500.000 đồng.

Như Anh
.
.
.