Có thể kiểm soát CPI ở mức từ 3,3% đến 3,5%
Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa trong quý IV sẽ chịu tác động của các yếu tố bất ổn về chính trị, thương mại của các nước trên thế giới.
Theo đó, Nhóm giúp việc đã thảo luận và báo cáo Ban Chỉ đạo kịch bản với lạm phát bình quân năm 2019 trong khoảng từ 2,73% - 2,81%. Với các kịch bản dự báo cho thấy, CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018, do vậy các mặt hàng điều hành giá theo lộ trình còn dư địa xem xét vào quý IV/2019.
Đảm bảo nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm. |
Phát biểu và chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, bình quân 9 tháng, CPI tăng 2,52%, thấp nhất trong 3 năm gần đây (năm 2017 3,79%; năm 2018 là 3,57%).
Chỉ số CPI diễn biến các tháng 7, 8, 9 đều thấp hơn dự báo, tiếp tục tạo dư địa điều hành lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra và là điều kiện để xem xét điều chỉnh hợp lý một số dịch vụ công. Kết quả kiềm chế lạm phát trong quý III/2019 và 9 tháng đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
“Mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 3,3% - 3,9% là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu không có những biến động đột xuất. Dự báo kịch bản CPI cuối năm, kể cả trong trường hợp giá thịt lợn tăng, giá xăng dầu tăng… hoàn toàn có thể kiểm soát CPI trong năm 2019 ở mức thấp, 3,3% - 3,5%, chứ không phải là kịch bản ở mức 3,3% - 3,9% như đã đề ra trước đó”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến cung cầu, nhất là một số mặt hàng thiết yếu; chủ động nguồn hàng cuối năm nhất là dịp Tết âm lịch, dương lịch… Bộ Công thương chủ động phân phối nguồn hàng trong điều kiện cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn như hiện nay; có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để cân đối không chỉ chỉ số giá mà còn cán cân thanh toán, cán cân vốn, cán cân vãng lai.
Để đảm bảo cung cầu hàng hóa cuối năm, đặc biệt dịp Tết, Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tính toán chặt chẽ nguồn cung của từng nhóm sản phẩm chăn nuôi để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương có phương án tái đàn phù hợp, tránh tình trạng thiếu nguồn cung mặt hàng này trong khi mặt hàng khác thừa, gây bất ổn tâm lý tiêu dùng.
Đồng thời, các Bộ, ngành cần kiểm soát chặt chẽ tình hình buôn lậu đường qua biên giới các tỉnh phía Nam.