Chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” EC, giúp kinh tế biển phát triển bền vững
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (phụ trách lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp) cho biết, ngay sau khi EC cảnh báo “Thẻ vàng” đối với Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có Quảng Trị và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp nhằm khắc phục các khuyến nghị của EC (cộng đồng châu Âu).
Ở Quảng Trị, mặc dù chưa có doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu hàng thủy sản vào thị trường EU, lực lượng tàu thuyền của bà con ngư dân Quảng Trị vẫn khai thác các nguyên liệu như mực, tôm ...bán cho các doanh nghiệp ở tỉnh bạn để chế biến, xuất sang thị trường EU nên vẫn bị ảnh hưởng lớn do các doanh nghiệp đó gặp khó khăn khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.
Vì vậy, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật cho bà con ngư dân, UBND tỉnh Quảng Trị đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá hoạt động trên biển và tại cảng cá, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý chống khai thác IUU (quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp của liên minh châu Âu), đưa ngành thủy sản và kinh tế xã hội vùng biển phát triển bền vững, góp phần sớm gỡ thẻ vàng của EC.
Đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình đánh bắt thủy hải sản của bà con ngư dân Cửa Việt. |
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập các tổ cán bộ chuyên trách có chuyên môn thuần thục trực tiếp cầm tay chỉ việc cho bà con ngư dân phát triển nghề biển theo đúng quy định của pháp luật liên quan.
Theo đó, từ tháng 6-2019 đến nay, các tổ kể trên đã trực tiếp cầm tay chỉ việc cho hơn 700 lượt thuyền trưởng, chủ tàu về ghi chép nhật kí khai thác thủy sản; phát hơn 2.100 tờ rơi về quy định cấm khai thác thủy sản bất hợp pháp; giúp bà con lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo các tiêu chuẩn thiết bị phù hợp; nâng cấp trạm bờ để theo dõi, hướng dẫn cho tàu cá tham gia hoạt động trên các vùng biển xa biết được vị trí, ranh giới giữa các vùng biển, tránh không vi phạm khai thác trên các vùng biển của nước ngoài.
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng liên quan của địa phương đã tổ chức 16 chuyến tuần tra trên biển; kiểm tra 250 lượt tàu; xử lí 11 vụ vi phạm trong lĩnh vực thủy sản; đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa Cảng cá Cửa Tùng, Cảng cá Cửa Việt vào danh sách cảng cá chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; đã trích lục, sao in cỡ lớn và lắp đặt tại một số điểm dễ quan sát trên cảng cá những nội dung liên quan, cần thiết của các Thông tư do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành về phân vùng, tuyến khai thác, ghi nộp nhật ký, báo cáo khai thác và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu để ngư dân, thuyền trưởng, chủ các tàu cá, hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp biết và chủ động thực hiện....
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan cho bà con ngư dân, cùng với đó là việc tăng cường công tác tuần tra biển; kiểm soát, xử lí nghiêm các tàu thuyền vi phạm, nên các vụ vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản có tín hiệu giảm. Cho đến nay, Quảng Trị không có bất kỳ tàu cá, bà con ngư dân nào vi phạm đánh bắt tại vùng biển nước ngoài.
Ngoài ra, nhằm nhanh chóng tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, thực hiện triệt để các quy định liên quan có lợi cho bà con ngư dân, từ đầu tháng 8-2019, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức củng cố, thành lập đưa vào hoạt động Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá.
Nhiệm vụ của Văn phòng này là vừa trực tiếp yêu cầu các chủ tàu thuyền, bà con ngư dân thực hiện nghiêm túc các thủ tục hành chính theo quy định, phục vụ lợi ích của bà con và sự phát triển kinh tế biển tỉnh nhà, vừa là đầu mối giúp hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục, hồ sơ theo quy định để các sản phẩm làm ra trên biển của bà con được tiêu thụ hợp pháp, nhất là khi xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực.
Có mặt tại cảng cá Cửa Việt, huyện Gio Linh, tìm hiểu về tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân ở đây khi buộc phải tuân thủ việc đánh bắt thủy hải sản trên biển theo quy định và yêu cầu của EC. Điều đáng vui mừng, bà con ở đây đều ý thức được một cách sâu sắc rằng, biển cả là nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào và quý báu cho cuộc sống con người.
Không phải vì khai thác thủy sản thì con người mới phải tuân thủ theo các quy định, luật pháp liên quan, mà phải thường trực sâu sắc trong mỗi chúng ta ý thức tự giữ gìn, bảo vệ từng tấc nước, tấc biển và các tài nguyên quý báu trong đó, để đến một lúc nào đó, sự tự ý thức này sẽ mang lại ý nghĩa to lớn hơn gấp cả trăm lần so với quy định của luật pháp!