Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội từ “thương chiến” Mỹ - Trung và EVFTA:

Chú trọng tăng sản phẩm “Made by Vietnam”

Thứ Sáu, 19/07/2019, 08:36
Tại hội thảo “Từ thương chiến Mỹ - Trung đến EVFTA: Doanh nghiệp (DN) Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào?” diễn ra ngày 16-7 tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và EVFTA vừa được ký kết, DN Việt cũng cần thận trọng để tránh bị tác động tiêu cực đến hàng xuất khẩu (XK).

Theo đánh giá của TS.Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đáng kể từ năm 2019 và nghiêm trọng hơn từ năm 2020 vì tác động có độ trễ. Trong năm 2019, nếu như tác động chỉ dừng lại như hiện nay, nền kinh tế của Mỹ suy giảm khoảng 0,1%, còn kinh tế của Trung Quốc suy giảm khoảng 0,25%. Nhưng nếu diễn biến “leo thang”, Trung Quốc có thể bị thiệt hại lên tới gần 0,3% trong năm 2019 và sẽ lớn hơn nữa trong năm 2020.

Vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung có tác động như thế nào đối với Việt Nam? Thực tế, trong số 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 25%, có sản phẩm máy móc, thiết bị điện tử chiếm 1/4 tổng kim ngạch XK của Trung Quốc; Thiết bị cơ khí máy móc chiếm khoảng gần 20% và đồ gỗ nội thất chiếm gần 17%. Như vậy, 3 nhóm hàng bị áp thuế này, chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch XK của Trung Quốc sang Mỹ.

Rất đông doanh nghiệp tham dự hội thảo.

Trong khi đó, những nhóm hàng này tại Việt Nam, tỷ trọng không nhiều. Kim ngạch XK của các nhóm hàng này từ Việt Nam sang Mỹ chỉ có 13 tỷ USD, chiếm 6% tổng kim ngạch XK Việt Nam.

Điều đó có nghĩa, nếu như không có hàng Trung Quốc quá cảnh sang Việt Nam, sự tác động của “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung tác động đến XK Việt Nam chỉ ở mức vừa phải. Đồ gỗ nội thất của Việt Nam XK sang Mỹ chiếm 36,7%, nông thủy sản chiếm 19,4%, thiết bị điện tử 13,5%, là những mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng được coi là có lợi khi Trung Quốc bị trừng phạt ở Mỹ.

Như vậy, tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong ngắn hạn, Việt Nam tăng XK sang Mỹ nhưng sẽ không quá đột biến; Việt Nam giảm XK nhưng tăng nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc.

Như vậy, một mặt Việt Nam được lợi từ XK sang Mỹ, nhưng mặt khác Việt Nam sẽ bị thiệt từ việc không XK sang Trung Quốc mà ngược lại hứng chịu làn sóng XK từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này đang xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, NK nội thất từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng 35,1%, nhưng XK nội thất từ Việt Nam sang Mỹ tăng 35%; NK điện tử từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng 81%, nhưng XK mặt hàng này từ Việt Nam sang Mỹ tăng 72%...

Những con số này thấy “có vấn đề”, cần phải làm rõ để tránh lặp lại như chuyện thép bị áp thuế tại thị trường Mỹ, cũng như có biện pháp để ngăn chặn sự dịch chuyển và quá cảnh XK từ Trung Quốc sang Việt Nam. Về mặt trung hạn, lợi ích lớn nhất đó là Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sang, nhất là các ngành máy móc thiết bị cơ khí, điện – điện tử.

Vấn đề then chốt đó là chúng ta tìm cách chuyển được một số chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam, chứ không phải đó là chuyển một vài nhà máy hoặc vốn đầu tư.

Tại hội thảo, ông Nestor Sherbey – Chuyên gia của Liên minh Tạo Thuận lợi Thương mại Toàn cầu (GTFA), cảnh báo, có một số rủi ro mà DN Việt Nam nên thận trọng khi XK. Ví dụ như, với những sản phẩm nông thủy sản thì xuất xứ 100% Việt Nam, nhưng những sản phẩm công nghiệp lắp ráp thì các bộ phận, linh kiện có xuất xứ từ nhiều quốc gia.

Hải quan Hoa Kỳ không quan tâm đến chứng nhận của Việt Nam hay chấp nhận hồ sơ DN nộp cho họ, mà họ sẽ tự kiểm tra, đánh giá và sàng lọc. Vì vậy, DN phải chuẩn bị đầy đủ thông tin chính xác về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Nếu không sẽ bị trừng phạt nặng nề từ Mỹ trong trường hợp hàng tạm nhập, tái xuất.

Bà Magdalena Krakowiak – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh hiện Việt Nam tăng XK sang Mỹ và Trung Quốc giảm XK sang Mỹ. Nhưng thách thức, khó khăn đối với dệt may Việt Nam là DN cần cải thiện, nâng cấp chuỗi cung ứng để đảm bảo vải, nguyên liệu, các công đoạn, đều phải do DN Việt Nam tự sản xuất. Bởi, thực tế hiện nay, phần lớn vải không được sản xuất tại Việt Nam mà phải nhập từ nước ngoài, DN Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn cắt, may, nên sản phẩm khó đảm bảo xuất xứ Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần nâng cấp hệ thống losgictic, vận tải và tập trung vào vấn đề lao động. Việt Nam không còn là thị trường lao động rẻ nữa, nhưng tính hiệu quả của lao động địa phương bên Trung Quốc vẫn cao hơn Việt Nam. Vì vậy, những lao động tay chân, thủ công cần được đào tạo kỹ thuật bài bản, kỹ năng mới để tăng khả năng cạnh tranh, tăng chất lượng sản phẩm và lợi nhuận cho DN.

“Đối với sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng Châu Âu có xu hướng chuộng thực phẩm đông lạnh rã đông xong dùng ngay mà không phải qua chế biến cầu kỳ. Họ thích sản phẩm hữu cơ, lành mạnh, bảo vệ môi trường,… DN Việt Nam nếu nắm bắt, sản xuất được những sản phẩm thực phẩm theo tiêu chí trên sẽ XK hiệu quả”, bà Magdalena Krakowiak khẳng định.

Ông Nguyễn Lân Khải, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp vật tư Donar cho biết, DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn, XK nhiều nhưng phần lớn đi theo đường gia công, chỉ XK qua một đầu mối lớn, nên làm sao để DN có thể XK sản phẩm tạo được thương hiệu riêng cho mình?

Theo ông Nestor Sherbey, DN Việt Nam phải làm ra sản phẩm tốt, chất lượng cao và tận dụng các trang thương mại điện tử (TMĐT) lớn như Amazone,… để dễ dàng tiếp cận các thị trường nước ngoài qua kênh TMĐT.

Khi muốn NK sản phẩm vào Mỹ, DN phải có những chứng nhận chứng minh sản phẩm đảm bảo an toàn, cung cấp thông tin chi tiết và thử nghiệm, công bố sản phẩm… Những công ty làm đúng quy trình, quy định, sẽ XK thành công. Đừng nghĩ sẽ đi tắt, bỏ qua một số công đoạn bắt buộc, vì như thế sẽ không thể “lọt cửa” kiểm soát của Mỹ.

Theo các chuyên gia, trong dài hạn, Việt Nam nên tranh thủ các lợi thế đang mở ra để thực hiện công cuộc đổi mới lần hai, để tiến nhanh và xa hơn. Quan trọng nhất là Việt Nam phải có nhiều sản phẩm “Made by Vietnam” chứ không phải “Made in Vietnam” như hiện nay.

Thúy Hà
.
.
.