Chủ động cải thiện kết quả thu hút đầu tư nước ngoài

Thứ Sáu, 05/03/2021, 08:38
Trong 2 tháng đầu năm, nền kinh tế đã thu hút thêm 5,46 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 84,4 % của kết quả cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, có 126 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 3,31 tỷ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều bất lợi do dịch COVID-19 gây ra.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư- KH&ĐT), trong 2 tháng đầu năm, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới/điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn, cũng như góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số dự án điều chỉnh vốn giảm, song quy mô vốn điều chỉnh tăng (từ 4,2 triệu USD/lượt trong 2 tháng năm 2020 lên gần 14 triệu USD/lượt trong 2 tháng năm 2021), làm tăng tổng vốn đầu tư điều chỉnh lên gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong 2 tháng cũng đạt tới 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ và rất đáng ghi nhận trong bối cảnh hoạt động này đang tiếp tục suy giảm trên thế giới.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tới dòng vốn đầu tư, kéo theo đó là trào lưu dịch chuyển cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn cầu của giới đầu tư quốc tế tác động, làm cho một số nhà đầu tư muốn chuyển nhà máy sang Việt Nam nhằm tránh phụ thuộc vào một khu vực sản xuất; tránh bị động về nguồn cung khi có vấn đề trục trặc xảy ra. Điều đó được ghi nhận qua việc chuyển dịch của một số nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ, chế tạo đến Việt Nam. 

Đó là những dự án của tập đoàn Foxconn, Pegatron... nhằm chế tạo linh kiện để cung cấp cho những thương hiệu nổi tiếng thế giới, trong đó có việc đầu tư thêm 750 triệu USD của LG Display ở Hải Phòng là một điển hình. “Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp”, ông Hoàng nhấn mạnh.

 Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, theo kết quả Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2020 cho thấy, trong xu thế dịch chuyển đầu tư, Việt Nam hiện đang là điểm đến được DN Nhật Bản quan tâm, ngoài Thái Lan. Ngoài ra, có tới 50% DN đánh giá cao lợi thế thị trường của Việt Nam, 46,8% DN Nhật Bản đã có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam cho 1 đến 2 năm tới, dù tỷ lệ mở rộng thấp hơn so với năm 2019, nhưng cao thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện, nhiều DN Nhật Bản đang quan tâm và mong muốn hợp tác với các DN công nghệ, khởi nghiệp của Việt Nam để gia tăng giá trị cho sản phẩm, dịch vụ.

Với những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, dòng vốn chất lượng cao đã và đang đổ vào Việt Nam với những tín hiệu tích cực. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, triển vọng về thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2021 rất lạc quan. Bởi trong 2 tháng, các nhà đầu tư đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3 tỷ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Bên cạnh đó là những tín hiệu tích cực từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết có hiệu lực đi vào thực thi với nhiều ưu đãi vượt trội, nhất là về thuế suất đối với hàng xuất khẩu. Do đó, giới đầu tư nước ngoài muốn đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tận dụng điều kiện thuận lợi để sản xuất hàng xuất khẩu. Mặt khác, sự thuận lợi trong trao đổi thương mại, các ưu đãi về thuế suất đối với hàng xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam trong khuôn khổ các FTA cũng tương tác, thúc đẩy hoạt động đầu tư diễn ra mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng nhận định khả quan về dòng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, những diễn biến trên là rất tích cực, cho thấy sự thành công của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn ngoại. Việc ngày càng có thêm dự án mang hàm lượng công nghệ cao là đúng định hướng của Chính phủ, nhằm từng bước biến Việt Nam trở thành nơi sản xuất, cung cấp linh kiện của các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị quốc tế. 

Một số địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa đang là điểm đến tiềm năng của dòng vốn đầu tư nước ngoài chính là sự thể hiện kết quả cải thiện liên tục, có hiệu quả thiết thực về chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh nói chung ở mỗi địa phương. Đặc biệt, ông Toàn cho rằng, để có sự liên kết tốt tạo sức bật cho DN trong nước và DN FDI thì trước hết cần phải nâng trình độ của DN và phải liên kết các DN trong nước. Theo đó, cần tạo ra động lực, khuyến khích các DN lớn dẫn dắt DN vừa và nhỏ để xây dựng được DN sản xuất vững mạnh trong chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất.

Thu hút được nguồn vốn chất lượng cao thì rất cần nguồn nhân lực để đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, theo đó nhu cầu về nhân lực chất lượng cao là rất lớn. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, quan trọng nhất là Việt Nam cần xử lý bài toán đào tạo nhân công. “Trong một dự án đầu tư, chúng ta và đối tác cần xác định cần bao nhiêu lao động và đó là nhân công gì. Chúng ta có thể thiết kế một chương trình và hỗ trợ đào tạo cho từng dự án. Tôi cho rằng, với cách tiếp cận như thế, chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư,” TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.