Chống buôn lậu tại cửa khẩu: Làm gì để không “thủng lưới”?

Thứ Tư, 24/03/2021, 06:41
Theo Luật Hải quan, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hải quan Việt Nam là thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hoá, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Thực tế, lực lượng Hải quan đã tham gia, phối hợp với các lực lượng chức năng khám phá nhiều chuyên án, bắt nhiều vụ buôn lậu hàng hoá có trị giá lớn, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma tuý với số lượng “khủng”, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tích đó, thời gian qua đã có một số công chức hải quan bị đình chỉ công tác, bị cơ quan pháp luật xử lý do tiếp tay cho buôn lậu, gây tác động tiêu cực tới thị trường, doanh nghiệp và dư luận xã hội.

Khi cám dỗ khó cưỡng lại

Một tháng sau khi Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Cục Cảnh sát hình sự cùng một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá đường dây tổ chức sản xuất, mua bán xăng giả với quy mô lớn, tinh vi diễn ra tại nhiều tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam một cán bộ Hải quan có chức vụ. Đó là ông Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3), Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan) về tội nhận hối lộ.

Hải quan đã phối hợp với các lực lượng phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển ma túy.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, đây thực sự là một điều đau xót đối với lực lượng chống lậu. Bởi, trên thực tế, một trong các nhiệm vụ của ngành Hải quan là phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Ông Nguyễn Văn Lịch cũng cho biết thêm, ngành Hải quan có rất nhiều các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng, để hạn chế tối đa vi phạm của công chức. Nhưng các đối tượng buôn lậu cũng không từ một thủ đoạn nào để mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ các lực lượng chức năng trong đó có công chức Hải quan. Cán bộ nào không đủ bản lĩnh, đạo đức thì dễ bị sa ngã trước cám dỗ của đồng tiền. Và trường hợp của ông Thuỵ đã minh chứng cho sự cám dỗ đó.

Trong những năm qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp, ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm xuyên biên giới để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm vào thị trường trong nước. Nhưng bằng nhiều giải pháp tích cực chủ động và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong toàn ngành đã thu được nhiều kết quả.

Từ năm 2015 đến hết năm 2020, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khác phát hiện, bắt giữ 99.686 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 10.913 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên 2.055 tỷ đồng.

Trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Tổng cục Hải quan đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu bắt giữ, xử lý, khởi tố điều tra hoặc chuyển cơ quan khác khởi tố nhiều vụ việc lớn và đặc biệt lớn liên quan đến xuất nhập khẩu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết quả: Từ năm 2015 đến hết năm 2020, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khác khởi tố 295 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 717 vụ.

Bà Phạm Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Hải quan) thẳng thắn thừa nhận: “Hải quan có một vị trí trọng yếu trong việc gác cổng của nền kinh tế, cán bộ Hải quan vừa phải tạo thuận lợi cho hoạt động XNK nhưng cũng phải đảm bảo công tác kiểm soát. Tuy nhiên, hải quan là một trong những ngành chịu tác động bởi nhiều cám dỗ về vật chất, nhất là đối với cán bộ ở khu vực cửa khẩu, những vị trí tiếp xúc với doanh nghiệp hàng ngày trực tiếp tiếp xúc với những cám dỗ tiền tài thì rất khó tránh khỏi sự sa ngã, nếu không có bản lĩnh chính trị và sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền".

Từ thực tế đó, ở góc độ quản lý cán bộ, bà Hương cho biết: "Chúng tôi đã nhìn thấy nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới vi phạm của công chức hải quan, do đó đã đề ra các giải pháp để phòng ngừa”.

Phòng ngừa từ xa để giảm thiểu tiêu cực

Bà Phạm Thị Thu Hương khẳng định, Tổng cục Hải quan không bao che, kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội theo quy định. Việc đình chỉ công tác đối với công chức không chỉ là việc thực hiện theo quy định của pháp luật mà còn là thể hiện sự quyết liệt, chủ động của ngành Hải quan và mang tính răn đe, giáo dục các cán bộ công chức khác.

Đơn cử, gần đây là vụ việc buôn lậu xảy ra tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, mặc dù cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan, nhưng để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, Tổng cục Hải quan đã tạm đình chỉ 6 công chức Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh (gồm: Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng, Đội trưởng Đội Nghiệp vụ và 3 công chức thừa hành) để tường trình và phục vụ công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng liên quan.

“Trong quá trình đình chỉ công tác, nếu xác minh họ không vi phạm, không liên quan đến vụ việc thì họ có thể trở lại làm việc nhưng cũng có thể bị điều chuyển công tác khác. Nếu có kết luận vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của ngành và pháp luật. Đến nay, Tổng cục Hải quan vẫn đang chờ kết luận, kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ xem xét, xử lý vi phạm (nếu có)”, bà Hương cho hay.

Kiểm tra, giám sát và điều động, luân chuyển cán bộ theo bà Hương cũng là một giải pháp để phòng ngừa tiêu cực trong cán bộ công chức hải quan. Cùng với việc thực hiện điều động, luân chuyển theo niên hạn thì đối với các trường hợp chưa đến niên hạn nhưng có dấu hiệu vi phạm thì sẽ bị điều chuyển trước thời hạn để phòng ngừa vi phạm.

Hiện, ngành Hải quan đã quy định 9 vị trí nhạy cảm phải thường xuyên luân chuyển (trong đó có vị trí công tác chống buôn lậu). Thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 1.000 công chức, viên chức hải quan được điều động, luân chuyển.

Việc đơn giản hoá các thủ tục hải quan, minh bạch hoá các quy trình, đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin triệt để vào quản lý nhằm hạn chế sự tiếp xúc của công chức hải quan với người dân, doanh nghiệp cũng là một biên pháp phòng ngừa vi phạm. Bà Hương cho biết, hiện nay, thủ tục hải quan hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động ở mức độ rất cao, hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia; thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị Hải quan trên toàn quốc.

Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, máy soi container, hệ thống camera giám sát của công tác giám sát trực tuyến vừa giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải vừa có thể giám sát hoạt động của công chức hải quan. Bởi, vị ví trọng yếu và nhạy cảm của công tác chống buôn lậu tại cửa khẩu, nếu để thủng lưới, sẽ gây ra những hệ lụy lớn cho nền sản xuất trong nước.

Lưu Hiệp
.
.
.