Cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh

Thứ Sáu, 25/01/2019, 08:53
Ngày 22-1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội nghị “Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, cho biết, theo đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho thấy, 43% DN đánh giá có sự thay đổi tích cực về xuất nhập khẩu; đặc biệt, các địa phương có cảng biển lớn, có cửa khẩu hoặc nhiều DN sản xuất công nghiệp đánh giá tốt hơn; thủ tục đăng ký kinh doanh cũng được đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, điều kiện đăng ký kinh doanh có giảm bớt nhưng số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đăng ký kinh doanh vẫn còn nhiều (58% DN có kinh doanh ngành nghề có điều kiện; và tất cả các DN đều gặp khó khăn trong xin phép kinh doanh…).

“5 năm qua, Nghị quyết 19 chủ yếu tập trung vào các vấn đề được DN phản ánh thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu gián tiếp chưa chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động giữa các Bộ, ngành với địa phương, doanh nghiệp...”, bà Nguyễn Minh Thảo cho hay.

Theo số liệu của CIEM, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt/ tổng phương tiện thanh toán thấp, chỉ chiếm 11,49%. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, chiếm gần 90% chi tiêu; trong đó 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng. Gần 85% giao dịch tại ATM chỉ đơn giản là rút tiền. Tương tự, tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến rất thấp, chỉ chưa đến 7% (chính xác là 6,98%). Cổng dịch vụ công quốc gia chưa vận hành, ứng dụng được coi là chưa thuận lợi cho người dân. 

Theo CIEM, năm 2019, những nhiệm vụ được đặc biệt chú trọng là thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công mức độ 4 và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN khởi nghiệp. Để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, nhiều giải pháp đã được nhóm nghiên cứu CIEM khuyến nghị; trong đó, Ngân hàng Nhà nước được đề xuất tiếp tục sửa đổi các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, xóa độc quyền trong cung cấp dịch vụ chuyển mạch. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ quan chủ trì nghiên cứu, đề xuất danh mục các giao dịch bắt buộc không dùng tiền mặt: thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ thông tin, giáo dục, giao dịch có giá trị lớn…

Bộ Công an tập trung hoàn thiện kho dữ liệu công dân, áp dụng thu phạt hành chính không dùng tiền mặt. Văn phòng Chính phủ được đề nghị thiết lập và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia trước tháng 9-2019. Các bộ, địa phương vận hành Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Việt Nam được đề nghị chi trả cho các đối tượng qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung: “Hơn hết, chúng ta cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh; đồng thời, thực thi đầy đủ cải cách về điều kiện kinh doanh đã được thực hiện trong năm 2018. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN, chúng ta cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng DN thành lập mới; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho DN…”.

Phan Đức
.
.
.