Cần ngăn chặn, xử lý việc bán tôm hùm đất

Thứ Ba, 21/05/2019, 09:54
Thời gian gần đây, tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) được rao bán ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước dưới dạng thực phẩm. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, đây là loài thuỷ sản ngoại lai xâm hại, không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Tìm mua tôm hùm đất ở Hà Nội không khó. Chỉ cần vào Google gõ chữ “địa chỉ bán tôm hùm đất”, hàng chục thậm chí hàng trăm đường link của các nhà hàng chế biến sẵn đồ ăn, cửa hàng bán hải sản tươi sống sẽ hiện ra cho bạn lựa chọn. 

Lần theo quảng cáo của một cửa hàng chuyên bán hải sản nhập khẩu, dù mục tôm hùm đất đã được để ở chế độ “hết hàng”, song khi phóng viên đặt vấn đề cần mua 1 vài kg thì chủ cửa hàng lập tức bảo là cần thời gian gom hàng và báo lại sau ít phút. 

Vì tò mò nên nhiều người dân sẵn sàng bỏ ra vài trăm ngàn đồng để mua tôm hùm đất về thưởng thức. Ảnh minh họa.

Ở một trang bán hàng online khác có tên Hải sản tươi sống Ông Giàu thông tin: Tôm hùm đất size 40-50 con/kg, giá 350.000 đồng/kg; tôm được nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam. Thông tin trên được đăng kèm nhiều hình ảnh về tôm hùm đất tươi rất “bắt mắt”. 

Còn trên trang Facebook có tên “Tôm hùm đất Crawfish” cũng giới thiệu: Bán tôm hùm đất có nguồn gốc rõ ràng, nguồn hàng ổn định, giá phải chăng và giao hàng toàn quốc...

Lần theo số điện thoại rao bán tôm hùm đất trên trang Facebook này, chúng tôi được một người phụ nữ tên là Diễm giới thiệu: “Đơn vị cung ứng hàng với khối lượng lớn. Hiện tại, chúng tôi đang hết hàng nhưng chỉ cuối tháng 5 này, hàng sẽ về tiếp”. Cũng theo chị Diễm, tôm hùm đất của đơn vị có nguồn gốc từ Trung Quốc...

Mặc dù được rao bán công khai, song theo Bộ NN & PTNT tôm hùm đất thuộc Phụ lục II, Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Tôm hùm đất cũng không có tên trong Phụ lục VIII, Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ "Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản"). Do vậy, việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản. 

Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên tôm hùm đất xuất hiện ở Việt Nam. Trước đó từ năm 2017 tại tỉnh Đồng Tháp, đã có công ty tiến hành nuôi tôm hùm đất. Khi đó, Bộ NN&PTNT đã kiểm tra và chỉ đạo xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước tình trạng tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên thị trường, mới đây, Bộ NN& PTNT đã ban hành công văn hỏa tốc về việc “Tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ tại Việt Nam”. Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các trường hợp vi phạm; đồng thời tuyên truyền phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát triển của loài này ra môi trường tự nhiên. 

Cùng đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN& PTNT) Trần Đình Luân cho biết, theo quy định, nếu phát hiện tôm hùm đất phát tán ra ngoài môi trường, các địa phương phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt theo quy định của pháp luật. 

Đồng thời, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch để ngăn chặn các con đường lây lan của sinh vật từ bên ngoài vào Việt Nam. Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, nhất là các con đường đưa tôm hùm đất vào Việt Nam để xử lý nghiêm việc buôn bán trái phép này. 

Tại Hà Nội, Sở NN&PTNT cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc buôn bán tôm hùm đất trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo đơn vị này cho hay, hiện Hà Nội chưa phát hiện tổ chức, cá nhân nuôi tôm hùm đất. Tuy nhiên, qua nắm bắt, được biết đã có một số nhà hàng và các trang mạng mua bán tôm hùm đất từ nơi khác về.

Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, tôm hùm đất lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. 

Tác hại của tôm hùm đất rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. 

Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

Nhật Uyên
.
.
.