Cần giải quyết khó khăn tiêu thụ nông sản, trái cây vì dịch COVID-19

Thứ Tư, 26/05/2021, 09:30
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, khoai lang tím Nhật ở Vĩnh Long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, sau này thêm thị trường Campuchia và Thái Lan. Hiện nay, do dịch bệnh COVID-19, đã làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của mặt hàng này.

Huyện Bình Tân là vùng nguyên liệu trồng khoai lang lớn nhất tỉnh Vĩnh Long và cả miền Tây. Tổng diện tích khoai lang toàn huyện vào khoảng 10.000 hecta. Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, khoai lang tím Nhật ở Vĩnh Long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, sau này thêm thị trường Campuchia và Thái Lan. Hiện nay, do dịch bệnh COVID-19, đã làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của mặt hàng này. Theo nhiều thương lái, Trung Quốc cũng đang vào mùa thu hoạch khoai lang nên mặt hàng này dội chợ, giá khoai lao dốc. Nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh nợ nần. Dọc theo tỉnh lộ 908, các tuyến đường nông thôn thuộc các xã Tân Lược, Tân Hưng và thị trấn Tân Quới thuộc huyện Bình Tân, nhiều ruộng khoai đã quá ngày nhưng vẫn chưa được thu hoạch.

Nông dân thu hoạch, vận chuyển bưởi ở Vĩnh Long.

Gia đình anh Lê Công Bình, ở thị trấn Tân Qưới vừa thu hoạch gần một hecta khoai lang. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, anh Bình nhẩm tính lỗ khoảng 60 triệu đồng. “Ruộng khoai đã hơn 6 tháng nên buộc lòng phải thu hoạch vì càng neo lại thì càng lỗ”, anh Bình nói. Theo các hộ nông dân trồng khoai, chi phí mỗi công (1.000 m²/công) trồng khoai khoảng 13-15 triệu đồng. Với giá khoai hiện nay, nông dân chỉ thu lại được hơn 3 triệu đồng. 

Tương tự, nông dân trồng xoài ở các tỉnh miền Tây cũng than thở vì giá lao dốc. Anh Lê Văn Phúc, ngụ xã Hòa An (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), trồng 2 công xoài Đài Loan. Tuy nhiên, hiện nay thương lái mua vào với giá khá thấp. Nhiều nhà vườn không dám thuê nhân công thu hoạch vì chi phí cao nên đành bỏ tại gốc, cắt xoài thả cho cá ăn và làm cành chuẩn bị mùa xoài nghịch. Theo các nhà vườn, nguyên nhân khiến giá xoài giảm mạnh là do đầu mối mua gom xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngưng mua hàng.

Theo PGS-TS Phạm Anh Tuấn (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch), những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản luôn gia tăng, tuy vậy phần lớn các doanh nghiệp mới tập trung đầu tư vào công nghệ chế biến. Trong khi đó nguyên liệu phục vụ chế biến chủ yếu phụ thuộc vào phương thức liên kết với người sản xuất hoặc các đầu mối đại lý nên tính ổn định không cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng phân tích, chỉ có khoảng 20-30% nông sản ở nước ta thông qua chế biến để xuất khẩu, còn ở Đài Loan (Trung Quốc), con số này là 80%. Điều đó cho thấy việc cần thiết đẩy mạnh khâu chế biến gia tăng giá trị sản phẩm, tạo ra giá trị vượt bậc và chia lợi ích lại cho người sản xuất. Việc nâng tỷ trọng nông sản qua chế biến, một mặt tạo ra giá trị gia tăng, mặt khác giải quyết được tình trạng được mùa mất giá, giúp ngành hàng nông sản đi vào quy luật chuỗi giá trị, quy luật cung cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp chiếm số đông. Nếu nhà nước hỗ trợ cho số đông bằng nguồn vốn đầu tư, hạ tầng logistics, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến sẽ tạo ra sản phẩm như OCOP - chương trình mỗi xã một sản phẩm. Những sản phẩm này sau đó được các doanh nghiệp lớn tinh chế sâu hơn để xuất khẩu. Việc này, vừa giải quyết được nguyên liệu vào mùa thu hoạch rộ và giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn. 

Như Anh
.
.
.