Cần có chính sách thu hút các tập đoàn chuyển giao công nghệ ôtô

Thứ Hai, 12/08/2019, 07:41
Dự kiến nhập siêu ngành ôtô năm 2019 sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ôtô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ôtô nội địa và cán cân thương mại.

Chất lượng xe sản xuất trong nước còn thấp, giá bán cao so với nhập khẩu

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Hiện trong nước có hơn 170 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm. Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp khẳng định, công nghiệp ôtô là ngành đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Các doanh nghiệp ô tô đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ôtô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Đáng chú ý, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu.

“Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp, như: săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…”, ông Hoài cho hay.

Quan trọng hơn cần phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp ôtô.

Theo Cục Công nghiệp, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế của ngành công nghiệp ôtô đó là quy mô thị trường ôtô Việt Nam còn quá nhỏ, trong khi ngành công nghiệp ôtô phát triển dựa vào lợi thế quy mô. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô quá nhiều so với quy mô thị trường. Ngoài ra, các loại thuế, phí đối với sản phẩm ôtô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ôtô.

“Các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách trong nước chưa ổn định và đồng bộ, do đó chưa tạo được bước đột phá cho việc phát triển ngành. Do vậy, khi ngành công nghiệp ô tô trong nước còn nhiều hạn chế thì phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu (đặc biệt là ôtô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia) và trong vòng 7-10 năm tới là các sản phẩm ôtô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 30-6, nhập khẩu ôtô đạt 75.438 chiếc trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 513% về số lượng và tăng hơn 413% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 54.927 chiếc, tăng 652% so với cùng kỳ năm 2018.

“Dự kiến nhập siêu ngành ôtô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ôtô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ôtô nội địa và cán cân thương mại”, đại diện Cục Công nghiệp cho hay.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng

Để phát triển ngành công nghiệp ôtô trong thời gian tới, Cục Công nghiệp kiến nghị việc sớm ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ôtô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.

“Quan trọng hơn cần phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp ôtô. Theo đó, kết hợp sửa đổi các chính sách về thuế, chú trọng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ôtô điện”, ông Trương Thanh Hoài đề xuất.

Liên quan đến Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nghị định đã tạo ra dung lượng thị trường tốt, tập trung cho doanh nghiệp làm khối lượng lớn, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô cần tiếp tục chú trọng trong thời gian tới. Lĩnh vực ôtô điện, xe máy điện là một xu hướng tất yếu trong tương lai. Cục Công nghiệp cần nghiên cứu, chuẩn bị tốt để xây dựng chính sách sẽ rất phù hợp với xu hướng phát triển chung trong ngành công nghiệp ôtô.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian qua, chiến lược của Bộ Công Thương là bám sát từng nhà đầu tư, từng địa phương, nhằm đôn đốc thực hiện dự án, gỡ khó đối với từng trường hợp. Theo đó nhiều dự án được ra đời. Thời gian tới, Cục Công nghiệp tiếp tục làm việc, bàn hướng giải quyết trên cơ sở đề xuất doanh nghiệp để tạo ra dư địa phát triển ngành này, tạo đà phát triển cho công nghiệp ôtô trong nước. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu tồn tại tại Nghị định 116 theo hướng bảo vệ sản xuất trong nước nhưng đồng thời vẫn còn có sự phù hợp trong quá trình hội nhập.

Lưu Hiệp
.
.
.