Cần chế tài đủ mạnh để “dập tắt” các thủ đoạn lừa đảo tiền ảo
- Tiền kỹ thuật số giúp Trung Quốc "để thế giới lại phía sau"?
- Bitconin: Tương lai nào cho đồng tiền kỹ thuật số?
Ra đời từ hơn 10 năm trước, tuy nhiên, phải đến thời điểm này, tiền kỹ thuật số mới thực sự “bùng nổ” cả về số danh mục cho đến lượng nhà đầu tư tham gia. Nhưng, bên cạnh những đồng tiền mã hóa được giao dịch một cách minh bạch, có nhiều đồng tiền ảo, tiền rác được những đối tượng lừa đảo dựng lên để “móc ví” nhà đầu tư. Chưa kể, một số khác lợi dung chính những đồng tiền mã hóa để biến tướng các hình thức lừa đảo khác nhau.
Đáng nói hơn, cho đến nay, pháp luật chưa có quy định nào về tiền kỹ thuật số, nên nhiều nhà đầu tư tham gia bị mất trắng, không thể đòi lại tiền, cũng không biết kêu ai. Vậy, làm sao để nhận diện hình thức lừa đảo qua đồng tiền kỹ thuật số, những cảnh báo nào đối với nhà đầu tư? Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh về vấn đề này.
PV: Thưa ông, tại sao các nhà đầu tư lại bị thu hút nhiều vào tiền ảo? Phải chăng vì lợi nhuận quá cao?
Ông Phan Dũng Khánh: Trước tiên, chúng ta cần làm rõ khái niệm tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Thực tế hiện nay, nhiều người đang rất mơ hồ về khái niệm này. Ngay cả chính những người đầu tư, thậm chí cả những đối tượng lợi dụng tiền kỹ thuật số để kêu gọi đầu tư, cũng chưa hiểu hết. Tiền kỹ thuật số bao gồm tiền mã hóa, tiền thuật toán (Crytocurrency), tiền ảo (Virtual currency: giao dịch nội bộ, phạm vi ứng dụng hẹp hoặc chả có ứng dụng gì, hoặc trong các trò chơi điện tử), tiền điện tử (Electronic currency, thường là phiên bản điện tử của tiền pháp định)…
Còn tiền mã hóa như Bitcoin được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp, được giao dịch, trao đổi hoàn toàn trên môi trường Internet và hiện nay chưa chịu sự quản lý của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào (trừ khi được Ngân hàng Trung ương trực tiếp phát hành như CBDC – Central Bank Digital Currency: Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương). Thí dụ điển hình của tiền kỹ thuật số mã hóa là Bitcoin, Ethereum... được giao dịch trên các sàn giao dịch quốc tế lớn và các giao dịch đó là công khai, minh bạch không có gì là lừa đảo dù rằng chính nó cũng chưa hợp pháp tại Việt Nam.
Hiện nay, nhiều đối tượng đang lợi dụng những đồng tiền này để tạo ra những đồng tiền ảo thường không phải là tiền mã hóa để lừa đảo, từ đó kêu gọi các nhà đầu tư đổ tiền vào.
Tôi nhấn mạnh chỉ có những tổ chức được cấp phép như ngân hàng, quỹ đầu tư… mới huy động tiền, còn lại việc huy động là trái pháp luật. Hiện đang có tình trạng đánh lận con đen giữa tiền mã hóa và tiền ảo, đồng thời lấy cái cớ Bitcoin tăng giá để “sáng chế” ra các loại tiền khác rồi đi chiêu dụ người khác là một ngày nào đó sẽ tăng giá như Bitcoin.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh. |
PV: Ý ông là tiền mã hóa, cụ thể ở đây là Bitcoin không lừa đảo, và không có rủi ro?
Ông Phan Dũng Khánh: Bitcoin là một đồng tiền mã hóa, ra đời dựa trên thuật toán và công nghệ chuỗi khối (blochain). Nhưng hiện nay, nhiều đối tượng đang nhân danh Bitcoin để lừa đảo, huy động tiền từ những nhà đầu tư khác. Còn ngay cả với đầu tư vào Bitcoin cũng sẽ có những rủi ro nhất định chứ.
Rủi ro trước tiên là biến động giá rất mạnh. Cái này giống như bất kỳ mặt hàng nào, hay đồng tiền phát hành chính thống nào cũng đều có rủi ro về biến động giá lên xuống.
Rủi ro thứ 2 là về pháp luật do Việt Nam chúng ta chưa công nhận tiền kỹ thuật số, chưa có các quy định về tiền ảo nên nếu nhà đầu tư gặp rủi ro sẽ không được bảo vệ. Đấy là chưa kể những rủi ro kỹ thuật khác và dễ mất tiền như quên địa chỉ bí mật của ví điện tử, bị hacker xâm nhập…
PV: Tiền mã hóa mà còn rủi ro, thì tiền ảo chắc sẽ rủi ro gấp nhiều lần nếu đầu tư, thưa ông?
Ông Phan Dũng Khánh: Đúng vậy, tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không chịu sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm (developers) thường đồng thời là người kiểm soát hệ thống; được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định.
Hiện nay, lừa đảo tiền ảo thường là huy động trên thị trường ngoại hối, hoặc phần thưởng bằng tiền ảo, mà tiền đó không có giá trị thực tế. Đặc biệt, lợi dụng sự phát triển của công nghệ, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đa cấp, Ponzi lừa đảo 4.0 như: Ủy thác bao cháy tài khoản (ủy thác cho môi giới chơi, đảm bảo không cháy tài khoản) cho các sàn FX (vàng - ngoại hối) và BO (quyền chọn nhị phân) - điều mà các sàn quốc tế lớn có giấy phép và trực thuộc các định chế tài chính hay ngân hàng không bao giờ làm.
Ngoài ra, một số vụ ICO trên thị trường tiền mã hóa (tương tự IPO trên sàn chứng khoán) ngày nay bị phát hiện hay huy động vốn trên thị trường này để đầu tư vào Bitcoin hay các Altcoin khác. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cũng đưa ra cảnh báo rằng, số lượng lừa đảo và tội phạm trên thị trường tiền ảo cao hàng đầu thế giới.
PV: Ông có thể chỉ rõ hơn, giúp độc giả nhận diện các mô hình lừa đảo liên quan đến tiền ảo?
Ông Phan Dũng Khánh: Có thể thấy, trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều mô hình lừa đảo. Thứ nhất, kẻ lừa đảo hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục, vài trăm phần trăm không phải một năm mà một tháng, thậm chí là trong một tuần.
Thứ hai, các mô hình ủy thác cho sàn, cho dự án, cho “chuyên gia” được các dự án lừa đảo dựng lên. Họ nói nếu bạn không có khả năng đầu tư, hãy gửi cho họ và họ có chuyên gia đầu tư bách phát bách đúng, bao lỗ.
Đến khi số tiền nhận đủ nhiều, sàn tuyên bố… phá sản, ôm tiền bỏ chạy, thông thường những sàn này có tuổi đời không quá 1 năm. Thứ ba, một số hình thức lừa đảo bằng cách hứa hẹn trả lãi cao, nhưng không phải bằng tiền mặt.
Họ sẽ phát hành một dạng chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho người tham gia, dù nhà đầu tư phải tham gia bằng tiền thật. Số tiền hoặc chứng khoán này sẽ không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra. Nghĩa là tiền lời đó chỉ có trên giấy.
Thứ tư, cũng có trường hợp, chủ sàn trả tiền lời bằng tiền thật theo như cam kết. Tuy nhiên, số tiền được trả lại luôn luôn dưới tổng tiền nộp vào trước khi sàn biến mất. Thứ năm, một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư bằng cách giúp nhà đầu tư có lợi nhuận - có thể là tiền thật, tiền ảo hoặc cổ phiếu - song nhà đầu tư muốn rút tiền thì phải đóng thêm tiền, đóng phí chuyển đổi; muốn rút tiền lời ra thì phải đóng hàng loạt phí như: Phí thuê ví của sàn, phí chuyển đổi tiền, phí rút tiền, phí giao dịch…
Nghĩa là, tiền của mình bị chiếm đoạt, thậm chí còn phải đóng phí cho người chiếm đoạt nữa. Thứ sáu, một số sàn lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống. Theo đó, khi nhà đầu tư tham gia thì lệnh của họ sẽ bị sửa trên hệ thống, nhà đầu tư cứ tưởng đánh theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua.
Hoặc có sàn không sửa lệnh, song đợi đến khi số người nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất. Thậm chí, có sàn còn nói là vỡ nợ hoặc bị Công an bắt, để nạn nhân sợ không đi kiện, vì bản thân các nhà đầu tư cũng biết là đầu tư vào các sàn này không được pháp luật cho phép.
PV: Vậy làm sao để tránh bị lừa, thưa ông?
Ông Phan Dũng Khánh: Kiểm soát lòng tham và cần chế tài đủ mạnh. Dù biến tướng cỡ nào, bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi (ở bất cứ các phiên bản nào thì cái lõi của nó không bao giờ thay đổi vì cũng phải tiền của người sau trả cho người trước do những tay lừa đảo không có kinh doanh gì khác để trả tiền cho nhà đầu tư), việc nhận diện các hình thức lừa đảo tài chính, Ponzi không hề khó.
Các mô hình này đều có những đặc điểm khá giống nhau: Cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền, đảm bảo lợi nhuận ổn định, bất kể thị trường biến động hay không. Ngoài ra, các đối tượng cũng bao lỗ, bao cháy tài khoản - dù thực tế chưa nhà đầu tư nào được đền bù vì cháy tài khoản.
Họ cũng không có giấy phép (kể cả giấy phép của nước ngoài), hoặc giấy phép không liên quan đến ngành nghề kinh doanh đó, đã từng có đối tượng dùng giấy phép thú y hay bán máy tính… nhưng với chữ bằng tiếng nước ngoài để trưng ra cho nhà đầu tư. Nếu các hình thức đầu tư mà lợi nhuận mang về gấp 3 lãi suất ngân hàng, thì nhà đầu tư phải cảnh giác. Cuối cùng thời gian tồn tại của những công ty hay dự án như vậy thường dưới 1 năm.
PV: Nhưng ngoài việc nhà đầu tư tiết chế lòng tham, tỉnh táo nhận diện lừa đảo, thì hiện nay, do pháp luật chưa thừa nhận tiền ảo, nên đây cũng là 1 cái khó cho các nhà đầu tư?
Ông Phan Dũng Khánh: Theo tôi, pháp luật cần cập nhật để thích ứng với sự biến thể với nhiều phiên bản lừa đảo ngày càng mới, nhằm ngăn chặn loại tội phạm trên. Ngoài ra, nâng cao năng lực giám sát để phát hiện các hình thức lừa đảo ngày càng lắt léo, phức tạp dạng này.
Cần mạnh tay xử lý, có chế tài mạnh mẽ góp phần răn đe và dập tắt những manh nha lợi dụng tình thế khó khăn, cũng như lòng tham của người khác để trục lợi. Ngoài ra, tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hiện không chấp nhận tiền kỹ thuật số không chính thống là tiền tệ, việc dùng loại tiền này làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật. Do đó, mỗi người dân, nhà đầu tư cần xác định rõ mình muốn gì, mức độ chấp nhận rủi ro đến đâu và rất thận trọng khi xem xét loại tài sản ảo này.
PV: Mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Vậy ông có đóng góp ý kiến gì?
Ông Phan Dũng Khánh: Tiền kỹ thuật số có nhiều quan điểm trái chiều. Tuy nhiên, theo tôi cần phải nghiên cứu các nền tảng đằng sau đó để ứng dụng vào trong nền kinh tế vì nó mang lại lợi ích tích cực thực tế cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Những ứng dụng nền tảng như Blockchain, Defi, Storage,NFTs… rất có lợi cho các hoạt động giao dịch.
Nhiều doanh nghiệp không đầu tư vào tiền kỹ thuật số, nhưng họ ứng dụng các nền tảng vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đã đạt được những kết quả vượt bậc. Ví dụ, Nhựa Duy Tân đã mua một đơn hàng lớn từ một công ty Hàn Quốc, thông qua giao dịch tín dụng thư được cung cấp từ dịch vụ của Ngân hàng HSBC dựa trên nền tảng Blockchain.
Giao dịch này rút ngắn thời gian thực hiện từ 10 ngày xuống còn 24 giờ đồng hồ. Hay mới đây HSBC Việt Nam và Vietcombank công bố đã đồng thực hiện thành công giao dịch tín dụng thư (LC) nội địa bằng tiền đồng trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) cho 2 doanh nghiệp với thời gian phát hành và thông báo tín dụng thư này được thực hiện thành công trong vòng 27 phút, nhanh hơn rất nhiều so với phương thức truyền thống mất từ 3-5 ngày làm việc.
Từ những ví dụ thực tế này cho thấy, các nền tảng này có thể ứng dụng để phát triển nền kinh tế số, tài chính số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0… Những chuyện khác có thể còn phải bàn kỹ, nhưng những ứng dụng trên thì cần phải triển khai ngay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!