Các tỉnh Nam Trung bộ nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản

Thứ Hai, 28/10/2019, 10:34
Gần 2 năm kể từ khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam, Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chỉ đạo triển khai, thực thi quyết liệt nhiều biện pháp sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Theo dự kiến, đầu tháng 11-2019 tới, đoàn công tác của Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu sẽ đến Việt Nam kiểm tra lần thứ hai về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC). 

Gần 2 năm kể từ khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam, Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chỉ đạo triển khai, thực thi quyết liệt nhiều biện pháp sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Tại các địa phương khu Nam Trung bộ, chính quyền và ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân và các doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành thủy sản thực hiện những nội dung liên quan đến chống khai thác IUU, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và các văn bản dưới luật có liên quan, bằng nhiều hình thức sinh động. Bên cạnh đó, hàng trăm cuộc tập huấn, phổ biến pháp luật, hướng dẫn các biện pháp chống khai thác IUU đã được Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định tổ chức, thu hút hơn 15.000 lượt chủ tàu cá, thuyền trưởng tham gia kết hợp ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Từ nhiều năm qua, nghề câu cá ngừ đại dương đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân ven biển Nam Trung bộ.

Chi cục Thủy sản thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin tàu cá ở địa phương trên hệ thống dữ liệu quốc gia về thủy sản theo phần mềm Vnfishbase và trên website của Chi cục Thủy sản để các cá nhân truy cập. Tại các cảng cá Hòn Rớ, Vĩnh Lương – TP Nha Trang, Đá Bạc – TP Cam Ranh, Đại Lãnh – huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa); cảng cá Đông Tác – TP Tuy Hòa, Phú Lạc – huyện Đông Hòa, Tiên Châu – huyện Tuy An, Dân Phước – thị xã Sông Cầu (Phú Yên); cảng cá Ninh Chữ – huyện Ninh Hải, Cà Ná – huyện Ninh Phước, Đông Hải – TP Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận), cảng cá Quy Nhơn – TP Quy Nhơn, Tam Quan – huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đều thành lập các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá. 

Theo đó, mỗi khi tàu rời cảng và cập cảng đều có sự giám sát chặt chẽ, khép kín của Ban Quản lý cảng cá từ khâu cập nhật thông tin, thu thập nhật ký, sản lượng – chất lượng thủy sản bốc dỡ lên cảng, lưu trữ hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc nhanh gọn, chính xác…

Để nâng cao hiệu quả khắc phục khai thác IUU, từ nhiều tháng qua, Thanh tra chuyên ngành thủy sản thường xuyên phối hợp Bộ đội Biên phòng, Công an, Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản triển khai nhiều cuộc tuần tra, kiểm tra ngăn chặn và xử lý những vi phạm của tàu cá, thuyền trưởng và các cơ sở thu mua, chế biến hải sản, cung cấp đá lạnh… trong khu vực cảng. 

Đặc biệt, để công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản thực hiện kịp thời, nhanh gọn, chính xác, góp phần nỗ lực “gỡ” thẻ vàng EC, các tỉnh khu Nam Trung bộ cũng đã tổ chức chuỗi liên kết khai thác - thu mua - chế biến - tiêu thụ cá ngừ giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản với các tổ hợp tác nghề cá và đã thu hút gần 1.000 tàu cá.

Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản thuộc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết, trong số 1.183 tàu cá công suất trên 90CV ở Phú Yên, chỉ có 451 tàu cá chiều dài trên 15m được phép hoạt động vùng khơi theo quy định, còn lại 732 tàu cá dài 12m đến dưới 15m phải lùi về vùng lộng. Sở NN-PTNT Bình Định cho hay, theo quy định mới, trong số  6.115 tàu cá ở địa phương này, có 3.118 tàu cá đủ điều kiện hoạt động vùng khơi, 1.388 tàu cá hoạt động vùng lộng và 1.609 tàu cá hoạt động vùng ven bờ.

Tương tự, ở Khánh Hoà, trong số 1.366 tàu cá trên 90 CV của ngư dân ở đây, có 768 tàu cá được phép hoạt động vùng khơi, còn lại 598 tàu cá phải hoạt động ở vùng lộng. Tại Ninh Thuận, sau khi rà soát gần 2.800 tàu cá cho thấy chỉ có 568 tàu cá đủ điều kiện ra vùng khơi KTTS. Theo đó, Nam Trung bộ có gần 5.000 tàu cá đủ điều kiện KTTS vùng khơi, nhưng đến thời điểm này chỉ mới có hơn 40% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT).

Theo Bộ đội Biên phòng các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên, trong năm 2019 chưa có trường hợp tàu cá nào của ngư dân ở 3 tỉnh này vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong khi đó, tại buổi làm việc với Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ngày 11-10, Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, gần 10 tháng đầu năm nay đã có 17 tàu cá ngư dân tỉnh này cùng với 119 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khi KTTS đã bị bắt giữ, xử lý. Ngoài ra còn có 52 trường hợp vi phạm khác bị các cơ quan chức năng Việt Nam cảnh báo qua hệ thống giám sát vệ tinh Movimar. 

UBND tỉnh Bình Định đã xử phạt hành chính 7 tàu cá vi phạm với số tiền phạt mỗi tàu 85 triệu đồng và thu hồi vĩnh viễn giấy phép KTTS, tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm. Đến nay, Bình Định chỉ mới có 424 tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT, theo lộ trình đến ngày 1-1-2020, có 1.384 tàu cá chiều dài 15 - 24m hành nghề câu cá ngừ, lưới kéo phải lắp đặt thiết bị GSHT, trước ngày 1-4-2020  có 1.566 tàu cá hành nghề khác phải lắp đặt thiết bị GSHT…          


Hữu Toàn
.
.
.