CPTPP và thách thức của ngành chăn nuôi
- Thiếu “nhạc trưởng”, doanh nghiệp FDI thâu tóm ngành chăn nuôi
- Những bất cập làm ngành chăn nuôi heo “vỡ trận”
Trong thời gian tới, để hội nhập với “sân chơi” chung của CPTPP, ngành chăn nuôi trong nước cần nỗ lực đổi thay, hình thành nền chăn nuôi chuyên nghiệp...
Năm 2017 ngành chăn nuôi lợn trong nước rất khó khăn khi giá lợn hơi thấp kịch điểm chỉ còn khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ lớn. Nhưng đến 2018, sau khi thực hiện các giải pháp của Chính phủ và của bộ, ngành liên quan, giá lợn hơi đã hồi phục trở lại với mức khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Đây là giá tốt để người chăn nuôi có lãi và người tiêu dùng (NTD) chấp nhận được. Như vậy, năm 2018, ngành chăn nuôi được mùa, được giá, có lợi cho người chăn nuôi và DN.
Thịt lợn có truy xuất nguồn gốc đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. |
Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu lợn sữa và lợn choai sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thì trong năm 2018 Việt Nam đã xuất khẩu được thịt lợn tươi đông lạnh sang Myanmar theo đường chính ngạch. Mặc dù số lượng thịt xuất chưa lớn, nhưng có thể khẳng định vị thế của thịt lợn Việt Nam tại thị trường xuất khẩu. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), năm 2018 Việt Nam xuất khẩu 550 triệu USD các sản phẩm chăn nuôi gồm: Thịt lợn sữa các loại đông lạnh, trứng vịt muối, mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Từ những kết quả đạt được của ngành chăn nuôi trong năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 thì ngành chăn nuôi trong nước sẽ có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Khi tham gia CPTPP, thì ngành chăn nuôi trong nước gặp khó khăn nhiều hơn là thuận lợi.
Cụ thể, trong số các quốc gia thành viên của CPTPP, Việt Nam sẽ gặp bất lợi về các sản phẩm thịt bò và sữa từ các nước có ngành chăn nuôi với trình độ vượt trội là Canada, Australia và New Zealand. Một khó khăn nữa đó là số lượng nông dân tham gia vào ngành chăn nuôi của Việt Nam còn quá lớn nhưng quy mô nhỏ với gần 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, 3 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 2 triệu hộ dân chăn nuôi trâu bò.
Điều này khiến khả năng áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao để hạ giá thành, nâng chất lượng sản phẩm vẫn còn khá khó khăn. Ngoài ra, việc tổ chức, liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi hiện vẫn còn lỏng lẻo, khiến ngành chăn nuôi tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Thực tế cho thấy, ngoài những yếu tố trên thì ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường... trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, Australia, New Zealand… lại có hàng rào kỹ thuật khá cao, sản phẩm chăn nuôi của DN Việt Nam muốn tiếp cận, mở rộng vào các thị trường này cần phải đạt được yêu cầu về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ở chiều ngược lại, sản phẩm chăn nuôi từ các nước thành viên CPTPP sẽ ồ ạt nhập vào thị trường Việt Nam khi thuế khập khẩu giảm xuống 0% theo lộ trình của CPTPP. Điều này, đã tạo áp lực khi ngành chăn nuôi trong nước chưa chuẩn bị kỹ để trở thành ngành chăn nuôi chuyên nghiệp.
Hiện, việc sắp xếp, quy hoạch lại ngành chăn nuôi đã trở nên cầp thiết khi đầu năm 2019, CPTPP đã có hiệu lực và Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành nông nghiệp phải phấn đấu trong 10 năm nữa, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới.
Trong năm 2019, riêng ngành chăn nuôi, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,15%; tổng sản lượng thịt các loại 5,59 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm 2018. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi khoảng 3,96 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm khoảng 1,16 triệu tấn, tăng 5,7%; sữa khoảng 1,05 triệu tấn, tăng 9,3%; trứng các loại khoảng 12,57 tỷ quả, tăng 6,6%. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi từ 550 triệu USD trong năm 2018 lên 800 triệu USD trong năm 2019...
Để ngành chăn nuôi hội nhập sâu vào “sân chơi” cùng với các quốc gia thành viên CPTPP cũng như đạt được mục tiêu đề ra cho ngành chăn nuôi, theo Bộ NN&PTNT mục tiêu trước mắt trong năm 2019 là phải phát triển mạnh và nhanh hơn nữa về ngành chăn nuôi.
Giải pháp cụ thể đó là phải hoàn thiện các văn bản pháp quy để thực thi Luật Chăn nuôi; Tập trung phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, dần loại bỏ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tập trung ổn định thị trường, tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh; chú trọng kiểm soát chất lượng vật tư, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thói quen cho người chăn nuôi, người giết mổ, chế biến thực phẩm nói không với chất cấm, hóa chất công nghiệp trong sản phẩm chăn nuôi.