CPTPP sẽ tạo ra khoảng 17 nghìn việc làm mỗi năm
Theo Viện Khoa học - Lao động - Xã hội thì việc đánh giá được tác động của CPTPP đối với thị trường lao động Việt Nam hiện nay là rất khó, tuy nhiên các kịch bản đều cho rằng khả năng tạo ra việc làm tốt. Từ năm 2020 trở đi, mỗi năm sẽ có hàng chục nghìn việc làm được tạo ra bởi CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA).
Tăng việc làm, tăng thu nhập
Trao đổi với PV về tác động của CPTPP đối với thị trường lao động Việt Nam thời gian tới, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động - Xã hội cho rằng, sẽ rất khó để đánh giá được tác động của CPTPP đối với thị trường lao động Việt Nam bởi phải dựa trên nhiều nghiên cứu, nhiều giả thiết. Ở khía cạnh việc làm, lao động xã hội, Viện Khoa học- Lao động- Xã hội cũng tiến hành nghiên cứu thời gian gần đây, các kịch bản đều cho rằng, khả năng tăng thêm việc làm là khá tốt.
“Theo tính toán của chúng tôi thì con số cũng gần với các nghiên cứu trước đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ngân hàng Thế giới thì đối với CPTPP mỗi năm sẽ có khoảng 17- 18 nghìn việc làm và FTA mỗi năm số việc làm tạo ra khoảng 18- 19 nghìn. Nếu nhìn riêng từng hiệp định thì số việc làm mỗi năm được tạo ra sẽ không lớn lắm. Tuy nhiên nhìn trong một bối cảnh chung, sự đóng góp của tất cả các hiệp định đối với lại số việc làm được tạo ra hằng năm thì quy mô cũng đáng kể trong bối cảnh tạo việc làm ngày càng khó khăn”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, chất lượng việc làm thời gian ban đầu số lao động có tay nghề thấp sẽ tăng cao hơn, nhưng những năm sau lao động có kỹ năng sẽ tăng dần. Từ đó, tiền lương cũng được cải thiện. Những ngành nghề sẽ có cơ hội tăng việc làm nhiều nhất vẫn là những ngành nghề đang sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất đồ gỗ, lắp ráp điện tử.
“Cũng như các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, CPTPP cũng như các hiệp định khác sẽ giúp Việt Nam rất nhiều trong việc xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập nói chung cho người lao động. Bên cạnh đó, các luồng đầu tư cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giúp chúng ta cải thiện cơ cấu lao động”, ông Vinh cho biết.
CPTPP sẽ có nhiều tác động tích cực đến thị trường lao động Việt Nam, tuy nhiên theo ông Vinh cũng sẽ có không ít khó khăn phải đối mặt. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để nắm bắt được các cơ hội này. Bởi theo ông Vinh, một trong những vấn đề thị trường lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt thời gian tới là chất lượng lao động Việt Nam hiện đang còn thấp. Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong nước gần như chưa có sự chuẩn bị.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi thì các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho các cơ hội sắp tới. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản suất hàng tiêu dùng trong nước hầu như không có sự chuẩn bị, chưa thực sự sẵn sàng. Nếu các doanh nghiệp không sẵn sàng thì chúng ta có tận dụng được các cơ hội tạo ra việc làm được hay không? Đây là vấn đề thực sự đáng quan tâm”, ông Vinh phân tích.
Các hiệp định sẽ tạo ra cho Việt Nam hàng chục nghìn việc làm mỗi năm và cải thiện thu nhập của người lao động. |
Các tổ chức đại diện người lao động phải hoạt động đúng quy định
Một nội dung quan trọng trong CPTPP liên quan đến người lao động là việc được phép tự thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động tại các doanh nghiệp. Nếu mỗi doanh nghiệp có một tổ chức riêng đại diện cho người lao động thì hàng loạt vấn đề được đặt ra về công tác quản lý như đình công bừa bãi, quan hệ lao động phức tạp.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ- TBXH), Trưởng nhóm Lao động, Đoàn đàm phán CPTPP khẳng định, việc cho phép thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động ở tại các doanh nghiệp không có nghĩa là cho phép tự do muốn làm gì thì làm. Sự cho phép đó sẽ trong khuôn khổ và hướng tới mục tiêu lành mạnh, đó là: đứng ra bảo vệ quyền lợi, hợp pháp chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ thêm, tổ chức này hoạt động theo Luật Lao động (không theo Luật Công đoàn, Luật về hội - nếu có). Tổ chức này chỉ ra đời trên cơ sở quan hệ lao động, không vượt khỏi phạm vi doanh nghiệp (chỉ trong từng doanh nghiệp) và phạm vi địa lý cụ thể. Đặc biệt, tổ chức này không phải là tổ chức chính trị - xã hội, không được tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Sau khi người lao động thành lập tổ chức đại diện cho lao động phải lựa chọn tự nguyện tham gia vào hệ thống công đoàn hiện nay hoặc đứng độc lập.
Nếu đứng ngoài công đoàn, tổ chức độc lập phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định. Khi hoạt động, đại diện tổ chức này chỉ được phép đại diện cho người lao động bầu ra mình, tham gia đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết tranh chấp lao động (đàm phán hoặc tổ chức đình công).
“Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, việc cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động không có nghĩa là mọi tổ chức thoải mái, muốn làm gì cũng được. Tổ chức này phải hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, hướng tới mục tiêu lành mạnh vì người lao động”, ông Bình nói.