Buông lỏng kiểm soát hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:40
Theo quy định chủ sàn thương mại điện tử (TMĐT) khi tiếp nhận thông tin đăng tải để bán hàng thì phải kiểm tra, rà soát, xét duyệt kỹ. Bộ Công Thương cho biết sẽ công khai tên website TMĐT, ứng dụng di động cũng như tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, ứng dụng có các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn còn đầy rẫy trên sàn TMĐT...


Để tìm hiểu về yêu cầu đưa hàng lên trang TMĐT bán, chúng tôi được nhân viên tư vấn qua điện thoại của trang Lazada.vn cho biết, nếu cá nhân kinh doanh thì chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và số tài khoản ngân hàng là có thể mở gian hàng, đăng sản phẩm lên bán. Sau khi mở gian hàng, cá nhân đăng ký có thể bán tất cả các ngành hàng. Riêng sản phẩm thuộc ngành thực phẩm thì yêu cầu phải có thêm giấy ủy quyền thương hiệu, bảng công bố chất lượng sản phẩm, hóa đơn VAT gần nhất…

Nhưng khi chúng tôi nói đang có nhu cầu bán các sản phẩm như mật ong, phấn hoa, tinh nghệ… nhưng vì “nhà làm” nên không có nhãn hiệu, không công bố chất lượng sản phẩm, thì có bán được trên Lazada.vn không? Mặc dù quy định là vậy, nhưng nhân viên tư vấn khẳng định, những sản phẩm “nhà làm” nêu trên vẫn bán được trên trang Lazada.vn.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sắm hàng hóa online. Ảnh minh họa.

Còn với trang TMĐT Shopee.vn, các bước đăng ký mở gian hàng có phần đơn giản hơn, người kinh doanh chỉ cần tải app về điện thoại, đăng hình ảnh sản phẩm, điền các thông tin theo mẫu là có thể chào hàng bán trên Shopee.vn. Theo thông tin trên trang web, chủ sàn TMĐT này đưa ra nhiều quy định mà người bán phải tuân thủ về chất lượng sản phẩm, cũng như thời hạn sử dụng như: “Chỉ được phép bán các loại hàng hóa còn ít nhất một nửa thời hạn sử dụng; còn ít nhất 30 ngày tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn...”.

Nhưng thực tế, khi lướt qua các trang Lazada, Shopee, Sendo... có rất nhiều sản phẩm không có thông tin nào liên quan đến sản phẩm.. Cụ thể, tại trang Shopee chào bán tinh nghệ nguyên chất, nhưng sản phẩm là thứ bột màu vàng đựng trong bao nylon cột dây thun, hoàn toàn không có một dòng chữ nào trên bao bì sản phẩm, nhưng có giá “rất chát” đến 500.000 đồng/kg; Tại trang Sendo, mật ong đựng trong chai nhựa, bán 79.000 đồng/chai, nhưng tìm đỏ mắt vẫn không thấy một dòng chữ nào liên quan đến sản phẩm cũng như chất lượng, xuất xứ...

Đặc biệt, hàng giả, hàng nhái rao bán tràn lan trên TMĐT với giá rẻ… Mới đây, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) cũng đã công bố bằng chứng các trang TMĐT Shopee, Lazada, Sendo, đã tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu, vi phạm pháp luật và yêu cầu các sàn TMĐT này phải làm đúng trách nhiệm của mình.

Quy định về hoạt động TMĐT cũng đã nêu rõ trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc để xảy ra hoạt động bán hàng lậu, hàng giả. Theo đó, tùy mức độ, sàn TMĐT phải có biện pháp gỡ bỏ, khóa tài khoản... đối với các gian hàng sai phạm. Nhưng thực tế, nhiều gian hàng trên sàn TMĐT vẫn công khai chào bán các sản phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc, nhưng không hề bị xử lý.

Tại một hội thảo “chống hàng giả, hàng nhái” tổ chức tại TP Hồ chí Minh, bà Nguyễn Thị Minh Tuyền – Phó Cục Trưởng Cục TMĐT & kinh tế số cho rằng, TMĐT có tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm, nhưng tổng mức bán lẻ TMĐT rất thấp, chỉ khoảng 3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Lý do là vì sản phẩm chất lượng kém so quảng cáo, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại còn phổ biến.

Những sản phẩm chào bán trên các sàn TMĐT không có thông tin nào về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Trong khi đó, việc kiểm tra hoạt động TMĐT gặp không ít khó khăn như: Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn; Người bán mặt hàng cấm không đưa rõ hình ảnh sản phẩm, đưa tên khác, hoặc tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng...  Chính vì gặp nhiều khó khăn như vậy mà việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trên TMĐT không cao.

Theo Luật sư Bùi Quang Tín – Đoàn Luật sư TPHồ Chí Minh, sàn giao dịch TMĐT cũng giống như các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và chủ sàn TMĐT đóng vai trò như Ban quản lý. Vì vậy, các chủ sànTMĐT phải chịu trách nhiệm đối với hàng hóa được bày bán trên trang web của mình. Cũng theo luật sư Tín, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, thì mức độ xử phạt tùy thuộc vào hành vi vi phạm cụ thể từ trang TMĐT, chủ yếu là phạt tiền.

Nhưng bất cập hiện nay đó là mức phạt còn quá nhẹ, chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng nếu bị phát hiện kinh doanh hàng sai phạm. Với mức phạt như vậy sẽ không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm nên tình trạng bán hàng giả, nhái, trôi nổi trên các sàn TMĐT vẫn còn tiếp diễn.

Bộ Công Thương cho biết sẽ công khai tên website TMĐT, ứng dụng di động cũng như tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, ứng dụng có các hành vi vi phạm. Nhưng theo luật sư Tín, cần tăng cao hơn nữa mức xử phạt những đối tượng bán hàng vi phạm, buộc các chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm với sản phẩm bày bán trên sàn của mình. 

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, kết hợp ứng dụng công nghệ thì mới đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại trên TMĐT.

T.Hà - N.Cẩm
.
.
.