Buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp trong đại dịch COVID-19
- Nâng cao năng lực nhận diện các thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại mới
- Đấu tranh, khám phá nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đặc biệt lớn
Nhiều “chiêu” mới đưa hàng lậu vào Việt Nam
Đổi tên liên tục với lô hàng cấm, “thay tên đổi họ”, khai báo gian dối hàng hoá là những chiêu mà các đối tượng buôn lậu thực hiện trong thời gian qua. Đội trưởng Đội Giám sát và Kiểm soát Hải quan (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1) Đặng Bùi Việt cho biết, đầu tháng 7/2021, Đội đã điều tra, phát hiện một container hàng từ Mỹ cập cảng Cát Lái có nhiều nghi vấn nên đã phối hợp với các lực lượng khám xét.
Kết quả, phát hiện container chứa đầy hàng cấm, gồm 45 mặt hàng là tivi, bếp ga, máy tính để bàn, lò vi sóng, máy trộn, điện thoại cố định... Tất cả số hàng này đều đã qua sử dụng, cũ kĩ, bị bể nát, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, không đúng với hàng hóa ghi trên vận đơn.
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đưa hàng cấm vào Việt Nam rất tinh vi nhưng không qua mắt được lực lượng chức năng. |
“Thủ đoạn của các đối tượng tính toán để đưa lô hàng này vào Việt Nam rất tinh vi. Để phát hiện, ngăn chặn được lô hàng cấm, ngoài việc phân tích, nghiên cứu hồ sơ, Chi cục đã xác minh tại hãng tàu vận chuyển. Kết quả có nhiều nghi vấn, sau khi hàng cập cảng, đối tượng đổi tên người nhận hàng tới 3 lần, nhưng vẫn chưa làm thủ tục. Chi cục đã ban hành quyết định khám xét phương tiện đồ vật theo quy định,” ông Đặng Bùi Việt cho biết.
Không chỉ vậy, để đưa hàng cấm vào Việt Nam, một số đối tượng còn dùng thủ đoạn khai báo gian dối hòng qua mặt cơ quan Hải quan. Vụ nhập khẩu hàng cấm liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư Vận tải Tấn Phong bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 khởi tố ngày 12/7 là một điển hình. Công ty này nhập khẩu 1 container chứa đầy hàng cấm, nhưng để qua cửa phân luồng tờ khai tự động, Công ty TNHH Đầu tư Vận tải Tấn Phong thực hiện khai báo gian dối về tên hàng vào loại hàng thông thường là cờ lê, tuốc nơ vít... không bị điều chỉnh bởi chính sách quản lý chuyên ngành, không thuộc danh mục hàng cấm. Khi tờ hải quan chuyển luồng Đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa), phát hiện vi phạm, công ty không xuất trình hàng hóa để kiểm tra, trốn tránh trách nhiệm và trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan Hải quan.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, nhằm trốn tránh trách nhiệm nếu bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, doanh nghiệp không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở. Sau khi bị phát hiện gian lận, DN từ chối nhận hàng, không hợp tác với cơ quan Hải quan...
Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, tình hình nhập lậu hàng hóa qua các cửa khẩu cảng biển, sân bay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát đã giảm hẳn. Tuy nhiên, lại xuất hiện nhiều thủ đoạn mới nhằm lợi dụng đưa hàng cấm, hàng lậu vào Việt Nam. Ngoài các thủ đoạn mua bán, đổi tên lòng vòng như nêu trên, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh còn phát hiện nhiều trường hợp nhập khẩu hàng lậu, gian lận thuế thông qua công tác phân tích thông tin, thực hiện soi chiếu trước hàng hóa.
Tăng cường công tác phối hợp và kiểm soát
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, nếu như các năm trước, tình trạng buôn lậu thường nhỏ lẻ thì hiện nay, hàng lậu được các đối tượng đưa vào từ đường hàng không, đường bộ, đường biển, thông qua chuyển phát nhanh với số lượng lớn. Cơ quan Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành bắt giữ nhiều vụ việc, qua đó phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi.
Theo đó, ngành hải quan đã phát hiện và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chặn đứng các đường dây tội phạm ma tuý xuyên quốc gia. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, ngành Hải quan đã đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan đến an ninh quốc gia như vũ khí, tài liệu phản động, hàng hóa liên quan đến “đường lưỡi bò”... và kiên quyết tịch thu, xử lý kịp thời.
Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện, bắt giữ, xử lý 7.105 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.533,15 tỷ đồng.
Để chủ động đấu tranh hiệu quả với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tội phạm ma túy xuyên quốc gia, những tháng cuối năm, ngành hải quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống ma túy và công tác phòng chống tội phạm.
Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn hoạt động hải quan, triệt phá thành công những vụ việc lớn, nổi cộm, các đường dây, ổ nhóm, đối tượng cầm đầu hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế phục vụ tốt công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mai, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.