Bộ Tài chính nói gì về việc thị trường chứng khoán liên tục nghẽn lệnh?

Thứ Ba, 02/03/2021, 17:49
Thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian gần đây liên tục gặp sự cố nghẽn lệnh khiến cho các nhà đầu tư không thể giao dịch được, gây nhiều thiệt hại. Bởi vậy, bên cạnh xu hướng tăng giảm khá “ngẫu hứng”, thuật ngữ “rút phích điện” khi nghẽn lệnh trở thành nỗi ám ảnh của các nhà đầu tư.


Hiện tượng nghẽn lệnh trên TTCK diễn ra từ trước Tết Nguyên đán và sau Tết, ở ngưỡng thanh khoản 14.000 – 17.000 tỷ đồng. Có những thời điểm, hệ thống của các công ty chứng khoán (CTCK) trắng xóa, nhà đầu tư không thể đặt được lệnh trên bất cứ sàn nào, HNX hay HOSE. 

Có thể kể những phiên nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư “bốc hỏa” như phiên giao dịch ngày 19/2, nhiều người đặt lệnh mua từ 13h2' nhưng tới 14h48' hệ thống mới chậm chạp báo “hết hạn”- khi chưa hết giờ phiên giao dịch. Còn các lệnh đặt mua sau 13h30' hoặc 14h của các phiên giao dịch khác thường xuyên báo tình trạng “chờ” vì nghẽn, lệnh không đẩy lên sàn được.

Rồi ngày 24/2 mới đây, giữa lúc thị trường trồi sụt, nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất lực khi tiếp tục chịu cảnh nghẽn hệ thống, mua không được bán không xong. 

TTCK nghẽn lệnh ở ngưỡng thanh khoản 14.000 – 17.000 tỷ đồng.

Cập nhật ngay trong chiều 2/3, theo phản ánh của các nhà đầu tư, từ đầu giờ chiều, tình trạng nghẽn lệnh lại tiếp tục xảy ra. “13h30’, các nhà đầu tư đã râm ran về việc nghẽn mạng. 13h38’, tôi vào đặt lệnh mua mã KBC mà không thể đặt được”- một nhà đầu tư cho biết.

Trên các diễn đàn, nhà đầu tư “khóc như ri” vì bị “rút phích điện”. Chị Bích Ngọc, một nhà đầu tư đã có một bài viết nói lên nỗi bất bình của mình và những nhà đầu tư khác trước hiện tượng này. 

“Người dân tham gia đầu tư chứng khoán hiện đang đóng góp rất nhiều loại thuế cho ngân sách, từ mức thuế 5% khi được nhận cổ tức bằng cổ phiếu, thêm thuế 0,1% khi thực hiện giao dịch bán chịu trên giá trị chứng khoán. Việc nghẽn lệnh đã diễn ra thường xuyên như giọt nước tràn ly khiến tôi và bạn bè tôi, những nhà đầu tư lâu năm đến những nhà đầu tư mới tham gia thị trường mất niềm tin vào sự minh bạch, công bằng của TTCK”- chị Bích Ngọc nhấn mạnh. 

Trong các group, nhà đầu tư cũng nhấn mạnh việc họ cần có nơi, có người chịu trách nhiệm cho những thiệt hại do nghẽn lệnh; cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán, HOSE và người đứng đầu các cơ quan vận hành thị trường chứng khoán này. Được biết, ước tính năm 2020 có thêm 393.000 tài khoản mới mở để giao dịch chứng khoán, cao nhất trong 20 năm qua. 

Số tài khoản mở mới tăng kỷ lục, thanh khoản tăng vọt, thị trường vốn này chứng kiến có những phiên giao dịch tới gần 1 tỷ USD. Sự việc diễn ra cả tháng, gần đây Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) mới thừa nhận "năng lực hệ thống giao dịch của HOSE giới hạn về số lượng lệnh, không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến ngoài dự đoán".

Trước bức xúc của các nhà đầu tư, và cũng để củng cố, phát triển tốt hơn cho TTCK, ngày 2/3, Bộ Tài chính đã có hồi đáp với dư luận. Cụ thể, cơ quan này thừa nhận từ cuối tháng 12/2020 có hiện tượng một số lệnh giao dịch của nhà đầu tư qua các CTCK không gửi được vào hệ thống giao dịch tại SGDCK (Sở giao dịch chứng khoán) TP Hồ Chí Minh. 

UBCKNN đã khẩn trương họp với SGDCK TP Hồ Chí Minh và các CTCK để đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục để đảm bảo hệ thống giao dịch thông suốt. Khảo sát thực tế cho thấy hiện tượng nghẽn lệnh có một số nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do năng lực theo thiết kế của hệ thống giao dịch tại SGDCK TP Hồ Chí Minh có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của TTCK trong thời gian vừa qua.

Bộ Tài chính cho biết UBCKNN đã chỉ đạo SGDCK TP Hồ Chí Minh khẩn trương nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, thông suốt. 

Theo đó, trong ngắn hạn, SGDCK TP Hồ Chí Minh đã thực hiện các giải pháp để tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống, gồm: nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô từ ngày 4/1/2021 để giảm tải lệnh lô lẻ cho hệ thống; phối hợp và yêu cầu các CTCK rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống; thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, tăng cường trực ca vào thời gian giao dịch cao điểm. 

Trong trung hạn, UBCKNN đã yêu cầu SGDCK TP HCM nghiên cứu đề xuất phương án kỹ thuật đảm bảo hệ thống giao dịch hiện tại vận hành suôn sẻ, thông suốt cho đến khi hệ thống công nghệ thông tin TTCK mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động. UBCKNN sẽ có cơ chế hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ SGDCK TP Hồ Chí Minh sang SGDCK Hà Nội để giảm tải cho hệ thống giao dịch tại SGDCK TP Hồ Chí Minh. 

Về dài hạn, UBCKNN tiếp tục yêu cầu SGDCK TP Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX sớm vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch. 

Hiện nay, một số chuyên gia đã thực hiện xong các thủ tục cách ly và có mặt tại Việt Nam để hỗ trợ triển khai dự án mặc dù số lượng các chuyên gia này không nhiều nhưng các đơn vị đang rất nỗ lực trong việc hoàn thành dự án để sớm đưa hệ thống vào hoạt động.

B.K.
.
.
.